Đón đầu xu thế
Là NH chủ lực cũng là chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này luôn chiếm 70%/tổng dư nợ, Agribank thấu hiểu sâu sắc, nhận diện rõ những nguy cơ ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt. Đó là thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm..., trong bối cảnh mở rộng thị trường trở thành “bài toán” sống còn và Việt Nam đã tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Chính vì vậy, ngay khi NHNN chỉ đạo về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, Agribank đã có những hành động cụ thể, thiết thực qua một chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch với quy mô vốn tạm thời là 50.000 tỷ đồng (vốn huy động thương mại của NH từ 1/11/2016).
Agribank sẵn sàng nguồn vốn đầu tư đối với những dự án nông nghiệp công nghệ cao |
Đối tượng khách hàng của chương trình là DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Chương trình có lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank.
Đối với đầu tư cho sản xuất công nghệ cao, điều ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng chính là tài sản thế chấp. Đây vẫn là yêu cầu hàng đầu để các NH có cơ sở cấp hạn mức tín dụng, cũng như để đảm bảo an toàn vốn. Để giải quyết vấn đề này, Agribank cho phép khách hàng vay tín chấp hoặc vay bảo đảm một phần trên khoản vay. Khách hàng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.
Không chỉ đơn thuần cho vay nông nghiệp sạch, Agribank đặc biệt ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao. NH đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La), hoa quả, rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên… Bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các DN và người dân.
Bên cạnh đó, góp phần cùng phát huy vai trò của truyền thông đa phương tiện trong phát triển nông nghiệp sạch, cũng kể từ tháng 11/2016, Agribank đồng hành với Chương trình “Nông nghiệp sạch – Cho người Việt Nam, cho thế giới” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức. Thông qua chương trình này, Agribank mong muốn góp phần nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đã và đang dần được hình thành trên toàn quốc, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, sau thời gian triển khai cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ngành NH đang có dư nợ 3.700 tỷ đồng đối với 25 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp công nghệ cao. |
Những “nút thắt” cần sớm được tháo gỡ
Nguồn vốn huy động bền vững, cùng với việc duy trì dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn ở mức cao cho thấy, Agribank luôn sẵn sàng nhập cuộc cùng hệ thống thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững. “Agribank không thiếu vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao. Mong muốn của NH là tìm được những mô hình, dự án tốt để đầu tư”, lãnh đạo Agribank khẳng định.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, muốn đầu tư cho vay nông nghiệp công nghệ cao thành công, Agribank rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành và chính quyền địa phương cùng đồng hành. Đặc biệt, để dòng chảy vốn được khơi thông một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, thì những “nút thắt” đối với nông nghiệp công nghệ cao cần sớm được tháo gỡ.
Một lãnh đạo NH cho biết, hoạt động trong lĩnh vực có chi phí hoạt động cao, lãi suất cho vay thấp theo chính sách ưu đãi đã phần nào ảnh hưởng đến năng lực tài chính của NH... Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân cản trở quá trình đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình là việc nền nông nghiệp nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác thấp, các hình thức liên kết chưa phát triển, chưa hình thành được những chuỗi giá trị nông sản có khả năng cạnh tranh cao, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm nên tín dụng NH còn tiềm ẩn không ít rủi ro.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất quá chậm cũng làm ảnh hưởng đến quá trình giải ngân vốn vay do khách hàng thiếu tài sản đảm bảo. Vì thế, Chính phủ sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên môn hóa đối với cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với lợi thế cạnh tranh và biến đổi khí hậu; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để đảm bảo tính pháp lý đối với tài sản, tăng mức vay khi thế chấp NH.
Mặt khác, cần sớm xác định tiêu chí đối với nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao để các NH lấy đó làm một trong những cơ sở xem xét khi cho vay. Hiện nay cả nước mới có 25 DN được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận DN nông nghiệp công nghệ cao...
Để hỗ trợ Agribank và các NH hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, NHNN cũng cần sớm xây dựng chính sách tín dụng theo ngành, có cơ chế công bố và cảnh báo định kỳ để phòng ngừa rủi ro.
Lãnh đạo một NH đầu tư khá nhiều vào nông nghiệp công nghệ cao đề xuất: Cần thiết phải có hệ thống luật pháp phù hợp và chặt chẽ đối với sản xuất công nghệ cao, nông sản sạch. “Phải có chế tài xử phạt mạnh thì mới đủ sức răn đe những người cố tình vi phạm”, ông nhấn mạnh và hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những “nút thắt” hiện tại đối với nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta sẽ sớm được tháo gỡ.
Trong khi chờ đợi những đột phá về cơ chế, hiện tại, Agribank đang nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho tam nông.
Lãnh đạo Agribank cho biết, kể từ khi triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho nông nghiệp sạch bằng nguồn huy động, đến nay Agribank đã triển khai cho vay gần 3.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm. |
Viết Chung
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã