Thực chất của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cũng chính là quá trình xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của BCH TƯ Đảng khóa X “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã khẳng định việc xây dựng nông thôn mới hiện nay trên đất nước ta là vô cùng cần thiết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thì vấn đề CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới là phù hợp với thực tế khách quan, hướng tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xây dựng nông thôn mới là một quá trình, không phải một sớm, một chiều, không thể nôn nóng, cần thận trọng và có bước đi phù hợp, tránh phô trương hình thức vì thực chất quá trình xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làm thay đổi cả lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất theo hướng tiến bộ, tạo ra sự biến đổi về chất từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội... từ chỗ chưa hoàn thiện đến chỗ hoàn thiện.
Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới là cái chung. Tuy nhiên, cần áp dụng phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Không thể áp dụng cho địa phương nào cũng giống địa phương nào vì điều kiện tự nhiên, xã hội, dân trí mỗi nơi đều có sự khác biệt, càng không thể đưa ra thời điểm cùng hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Thực tế, tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà nơi này hoàn thành trước, nơi kia hoàn thành sau, xây dựng nông thôn mới luôn luôn là một sự phát triển không ngừng.
Trong toàn bộ quá trình xây dựng nông thôn mới, phải đặc biệt chú ý đến việc tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân là vấn đề cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Đây là những tiêu chí khó khăn nhất, vì suy cho cùng, xây dựng nông thôn mới mà kinh tế nông thôn không phát triển, đời sống nông dân không được nâng lên thì chẳng có ý nghĩa gì cả.
Xây dựng nông thôn mới cần phát huy sức mạnh tổng hợp của từng người dân, từng hộ gia đình, địa phương, cơ sở và Nhà nước, phải trở thành phong trào cách mạng thực sự của bà con nông dân. Không chỉ trông chờ vào Nhà nước, Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện để địa phương phát huy quyền chủ động của mình, tận dụng mọi khả năng, thế mạnh, trí tuệ, sáng tạo để xây dựng nông thôn mới một cách có hiệu quả.
Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự tham gia của các đoàn thể nhân dân là không thể thiếu. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý chặt chẽ của Nhà nước là yếu tố quan trọng bảo đảm cho quá trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội ngày càng cao.
HOÀNG THANH HẢI
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã