Học tập đạo đức HCM

Diện mạo mới ở Thanh Trì

Thứ hai - 05/08/2013 09:50
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), từng bước nâng cao đời sống nhân dân, bức tranh nông thôn Thanh Trì đã có nhiều thay đổi…

Bằng những chỉ đạo cụ thể đến từng địa phương về thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều xã trên địa bàn Thanh Trì đã thu được nhiều thành công trong quá trình phát triển sản xuất và XDNTM. Điều đáng ghi nhận là, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cán bộ và nhân dân trong huyện về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nâng cao. Các nghị quyết, chương trình đã thực sự đi vào đời sống và được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực.

Đơn cử như xã Đại Áng đã sớm tìm cho mình hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững, thân thiện với môi trường. Theo đó, với lợi thế có nhiều ao hồ, nhân công, Đại Áng đã gắn phát triển kinh tế trang trại với vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình mới như: nuôi ốc nhồi thương phẩm, nuôi gà an toàn sinh học, trồng nấm... Trong đó, nuôi gà an toàn sinh hoạt cho thu nhập khá cao vì bà con sử dụng giống mới, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, với mô hình này, huyện hỗ trợ 40% kinh phí mua giống, 100% kinh phí mua vắc-xin phòng bệnh.

Tháng 7/2010, khi mới triển khai XDNTM, Đại Áng mới đạt và cơ bản đạt 9/19 tiêu chí; các tiêu chí chưa đạt là giao thông nông thôn, trường học, chợ, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, thu nhập bình quân... Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, xã đã đạt 17/19 tiêu chí, chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất văn hóa và thu nhập bình quân. Dự kiến, thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân dồn điền đổi thửa để nhanh chóng đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất; nhân rộng mô hình trồng nấm, nuôi ốc nhồi, gà thương phẩm, trồng hoa cây cảnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,5-16%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; nâng thu nhập bình quân lên mức 24 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 95 - 102 triệu đồng/ha. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Oai, Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ tích cực của huyện, thành phố, nhân dân Đại Áng cũng có những đóng góp không nhỏ để xây dựng các công trình công cộng như: giao thông, thủy lợi, đường làng ngõ xóm, các di tích lịch sử văn hóa… với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Tiêu biểu là người dân thôn Vĩnh Thịnh đóng góp 4,3 tỷ đồng, Vĩnh Trung 1 tỷ đồng; nhân dân các thôn Đại Áng, Nguyệt Áng ngoài đóng góp hàng tỷ đồng còn hiến 3.800m2 đất nông nghiệp; 345m2 đất thổ cư. Vì vậy, chỉ sau hơn 2 năm XDNTM, không khí ở Đại Áng đã tưng bừng náo nhiệt không khác nội đô, một sự đổi thay mạnh mẽ cả về lượng và chất đang hiện hữu ở nơi đây”.
 

Trường mầm non Đông Mỹ đã đạt chuẩn quốc gia.


Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình XDNTM, xã Tân Triều đã cơ bản đạt 16/19 tiêu chí. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Bí thư Đảng ủy xã, đến nay, Tân Triều đã triển khai thực hiện 14 dự án với tổng kinh phí đầu tư trên 144 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện 2 dự án nâng cấp hệ thống thoát nước và giao thông thôn Triều Khúc dài 3.106m, được chia làm 9 tuyến với kinh phí đầu tư 14,099 tỷ đồng; dự án giao thông Yên Xá dài 582m, kinh phí đầu tư 3,05 tỷ đồng, xây dựng và đưa vào sử dụng Trường Mầm non Yên Xá diện tích 3.500m2, kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng và Trường Mầm non Triều Khúc, diện tích 6.660m2, kinh phí đầu tư 19 tỷ đồng. Năm 2012, Tân Triều cũng đã đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông trị giá 2,32 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa và nhân dân đóng góp.

Không chỉ ở Đại Áng, Tân Triều mà ở Đông Mỹ, Ngũ Hiệp,… cũng có nhiều đổi thay. Nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung với diện tích gieo cấy 1.200ha/năm đã hình thành. Về chăn nuôi, xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi gà an toàn sinh học, bước đầu thu được kết quả khả quan. Trừ chi phí, mô hình thu lãi 100 triệu đồng/1.000 con/18 tháng, cao gấp 2,2 - 2,5 lần so với nuôi gà truyền thống. 

Về thủy sản, hình thành vùng nuôi trồng tập trung 230ha tại các xã Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, năng suất bình quân đạt 6-7 tấn/ha… 

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Trì, năm 2012, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 125 tỷ đồng, tăng 4,75% so với năm 2008, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 118 triệu đồng/ha, tăng 2,41 lần. Một số làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đến năm 2012 đạt 21 triệu đồng/người/năm, tăng 9,7 triệu đồng so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,7% (năm 2008) xuống còn 1,7% (năm 2012).

Chương trình XDNTM được triển khai tích cực và đồng bộ đã làm thay đổi rõ nét, tạo diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn. Nhà văn hóa, trường học, hệ thống hạ tầng giao thông và các trục đường liên xã trên địa bàn được hoàn thiện, có hệ thống điện chiếu sáng. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 41 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện đã hoàn thành đầu tư, đưa vào hoạt động 11 bể dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, số hộ được dùng nước sạch đô thị đạt 18%. Hiện, đã có 2 xã cơ bản hoàn thành chương trình XDNTM, 5 xã đạt từ 15 - 17 tiêu chí, các xã còn lại đều đạt từ 11 tiêu chí trở lên.

Đặc biệt, công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn được tập trung chỉ đạo, triển khai tại 6 xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định. Kết quả là đến tháng 6/2013 đã hoàn thành phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa của 5/6 xã với tổng diện tích 796,5ha; tổ chức giao đất ngoài thực địa với diện tích 195,4ha tại hai xã Đại Áng, Vĩnh Quỳnh. Nâng cấp, cải tạo 20,5km đường nội đồng, 18,5km kênh mương đưa vào sử dụng tại Đại Áng; tổ chức các đoàn thể đi thực địa dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường cuối làng với tổng chiều dài 914m.

Ông Nguyễn Công Soái, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: Thanh Trì được thành phố xác định là vùng đô thị trung tâm, trong quy hoạch chung, là huyện phía Nam của thành phố có lợi thế về đường giao thông, thủy lợi. Số dân sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn với hơn 18 vạn người. Ông Soái cho rằng, XDNTM là việc khó, cần có thời gian triển khai một cách bền vững. Để chương trình được thực hiện nghiêm túc, tránh bệnh hình thức, các địa phương phải coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, lấy ý kiến người dân đối với công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ giới hóa, dồn điền đổi thửa... Để tạo được hiệu quả cao, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Tích cực tuyên truyền cho người dân về lợi ích của chương trình XDNTM, đặc biệt về áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài việc học tập các mô hình sản xuất hiệu quả cần có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác quản lý cũng như sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.


Trâm Anh - Lê Tâm
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

 Tags: nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập227
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại725,274
  • Tổng lượt truy cập90,788,667
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây