Xác định rõ xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, trong giai đoạn tới, lĩnh vực kiến trúc cũng cần có những hoàn thiện để góp phần nhiều hơn vào việc tạo nên những đột biến mạnh mẽ cho bộ mặt nông thôn Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hạ tầng nông nghiệp nông thôn miền núi Bắc Hà, Lào Cai.
Kiến trúc với chương trình NTM thời gian qua
“Điểm sáng” trong xây dựng NTM thời gian qua là việc các địa phương đã thực sự quan tâm đến công tác quy hoạch. Đến nay, một số địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, du lịch kết hợp với phát triển làng nghề truyền thống… Các địa phương trên cả nước cũng đã tích cực đầu tư, phát triển hạ tầng. Hiện có gần 5.000 công trình giao thông nông thôn, với khoảng 64.000 km đường đang được triển khai. Nhiều địa phương có những chính sách hỗ trợ phù hợp để huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng, dần hình thành phong trào về kiên cố hóa đường giao thông nông thôn…
Nhận rõ nhiệm vụ của ngành qua từng giai đoạn đã được xác lập trong hệ thống các Văn bản của Chính phủ, Liên bộ, bộ, ngành, các hệ thống 19 tiêu chí Nông thôn mới năm 2009 và 05 tiêu chí 2013. Phục vụ chương trình NTM, lĩnh vực kiến trúc đã thực hiện được nhiều công việc, như: tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng NTM; quy hoạch xây dựng NTM và thiết kế điển hình các công trình cộng đồng vùng nông thôn.
Được sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp giao nhiệm vụ xây dựng các nội dung hướng dẫn thực hiện quản lý, lĩnh vực kiến trúc đã tham gia biên soạn hệ thống các tiêu chuẩn quy chuẩn quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn phục vụ chương trình xây dựng NTM.
Những tiêu chuẩn này đã được hoàn thiện và thể hiện trong các văn bản pháp quy đã được ban hành như Luật Xây dựng, Nghị định 08/2005/ NĐ-CP và Thông tư 07/2008/TT-BXD, QCXDVN: 01/2008/BXD và các tiêu chuẩn có liên quan khác… Nội dung tiêu chuẩn, quy chuẩn mới đã tập trung cơ bản vào vấn đề bảo tồn, tôn tạo, xây dựng NTM, đặc biệt tập trung cho các điểm quần cư nông thôn hiện hữu lâu đời, các điểm dân cư mới phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và vùng ảnh hưởng thiên tai.
Nghiên cứu mẫu thiết kế điển hình nhà ở NTM vùng đồng bằng Bắc bộ.
Từ năm 2008 - 2010, lĩnh vực kiến trúc quy hoạch đã tham gia tổ chức quy hoạch xây dựng NTM tại 11 xã điểm. Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ Xây dựng và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ để triển khai lập đồ án quy hoạch cho 11 xã điểm và hoàn thành đồ án quy hoạch trong một thời gian ngắn để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm đảm bảo tiến độ của Chương trình.
Nội dung của các đồ án Quy hoạch xây dựng NTM đã được nghiên cứu kỹ, đáp ứng các mục tiêu của Chương trình thí điểm xây dựng mô hình NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về NTM được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg.
Trên cở sở các kết quả đạt được, Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các xã phê duyệt quy hoạch chung toàn bộ 11 xã điểm và tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai quy hoạch NTM, để kịp thời hoàn thiện văn bản pháp luật về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng NTM cho địa phương.
Theo các số liệu thống kê từ Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng NTM, tính đến thời điểm này, các tỉnh đã hoàn thành gần 100% công tác lập quy hoạch xây dựng xã NTM. Chất lượng đồ án quy hoạch NTM cơ bản cập nhật đầy đủ các nội dung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch sản xuất. Các đồ án bám sát tốt hệ thống tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chuẩn quy chuẩn, thông tư hướng dẫn. Đặc biệt các đồ án quan tâm khai thác các lợi thế đặc thù về địa hình, khí hậu tự nhiên, tập quán sản xuất, văn hóa xã hội và điều kiện nguồn lực của từng địa phương.
Trước các yêu cầu về nội dung quy hoạch NTM theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT- BXD - BNNPTNT - BTN&MT, quy hoạch phải lồng ghép các nội dung “3 trong 1” bao gồm: Quy hoạch về dân cư và hạ tầng, Quy hoạch sản xuất, Quy hoạch đất đai. Các đồ án kiến trúc quy hoạch NTM đã góp phần đẩy mạnh quá trình triển khai thực hiện chương trình NTM ở các địa phương và quản lý sau quy hoạch, đặc biệt thúc đẩy các nguồn lực ngân sách và xã hội hóa tham gia chương trình NTM.
Các đồ án quy hoạch cũng là những cơ sở rất quan trọng cho việc thực hiện triển khai thành công các chương trình đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn như: đường giao thông nông thôn, điện nông thôn, cấp nước sinh hoạt, hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng.
Đóng góp và thể nghiệm các nghiên cứu khoa học, các mô hình quy hoạch điểm NTM cũng được xây dựng. Tiêu biểu là mô hình Đô thị làng quê tỉnh Quảng Nam thực hiện năm 2009 với sự hỗ trợ của Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam. Mô hình dựa trên các khảo sát tại các địa điểm đặc thù đặc trưng cho các hình thái khác nhau của khu vực nông thôn trong nội tỉnh để nghiên cứu đề xuất áp dụng cho 3 địa điểm cụ thể là làng gốm Thanh Hà, khu đất phía Tây phường Cửa Đại và thôn 2 xã Tam Tiến, huyện Núi Thành. Các ý tưởng trên không chỉ bảo tồn khung cảnh truyền thống mà còn đan xen tính hiện đại, đồng thời góp phần khai thác các thế mạnh kiến trúc cảnh quan phục vụ phát triển du lịch làng nghề, du lịch di tích, du lịch biển và du lịch nghỉ dưỡng.
Với hệ thống công trình được xây dựng theo chương trình NTM, lĩnh vực kiến trúc đã thực sự tham gia mạnh mẽ, cụ thể bằng việc nghiên cứu các mẫu thiết kế nhà ở và hệ thống công trình phục vụ cộng đồng. Các mẫu thiết kế điển hình như: nhà văn hóa, trạm y tế và chợ cấp xã… đã được thực hiện trong thời gian qua và công bố rộng rãi cho các địa phương lựa chọn và áp dụng.
Điều này được chứng minh qua số liệu khảo sát tại tỉnh Thanh Hóa, cho thấy đến năm 2013, toàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp và xây dựng mới được 2.609 phòng học các, cấp nâng tổng số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia là 860 trường (đạt 47%); 31 xã có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn, 273 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn; 254 chợ nông thôn theo quy hoạch đạt chuẩn (đạt 44%); 506 xã đạt chuẩn về điểm bưu chính, viễn thông (đạt 88,3%); 78% số nhà được cải tạo nâng cấp, làm mới đạt chuẩn. Đây cũng có thể là những số liệu ở mức chung của rất nhiều các địa phương trên khắp cả nước thể hiện những hiệu quả của các thiết kế điển hình được thực hiện.
Vai trò của riêng kiến trúc nhà ở với xây dựng NTM là hết sức quan trọng. Đây là nhân tố giúp tạo nên nơi ăn, chốn ở tiện nghi và ổn định cho dân cư. Các thiết kế nhà ở NTM từng bước được thực hiện, bao gồm hệ thống mẫu nhà ở cho các vùng miền như: Vùng núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các thiết kế nhà ở, không chỉ nghiên cứu kỹ các tập quán truyền thống mà còn phải đảm bảo tiện nghi sử dụng, phương thức sản xuất và nghề phụ, có giá thành xây dựng phù hợp và nhất là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng và vật liệu đương đại bền vững với môi trường. Tới nay, các mẫu nhà đã cơ bản hoàn thiện, có thể công bố để khuyến khích nhân rộng đại trà ở các địa phương.
Từ năm 1987 đến nay, nhiều mẫu thiết kế kiến trúc cho các thể loại công trình theo từng vùng miền khác nhau đã được ban hành áp dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế, truyền thống văn hóa của từng địa phương. Nhà ở nông thôn ĐBSCL (ban hành 1987); Nhà ở nông thôn ĐBSCL (ban hành 1996); Nhà làm việc của cơ quan xã (năm 2000); Trung tâm văn hoá - thông tin huyện miền núi phía Bắc & Trụ sở HĐND, UBND cấp huyện (ban hành 2001); Trụ sở UBND xã & chợ cấp xã vùng Tây Nguyên (ban hành 2002); Trụ sở làm việc xã, phường, thị trấn (ban hành 2003); Nhà ở cho các điểm dân cư nông thôn Tây Nguyên (ban hành 2004); Công sở HĐND, UBND cấp huyện (ban hành 2005); Khu trung tâm văn hoá thể thao cấp xã (ban hành 2006); Công sở làm việc cấp xã áp dụng cho vùng núi, vùng ngập lũ (ban hành 2007); Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Thông tin cấp xã (ban hành 2008); Nhà ở nông thôn + Điểm phục vụ bưu chính viễn thông + Chợ nông thôn cấp xã (KH 2010); Nhà ở vùng thiên tai tại miền Trung và Tây Nam bộ (KH 2011).
Nghiên cứu đề xuất mô hình đô thị làng quê Quảng Nam.
Phát huy vai trò kiến trúc quy hoạch giai đoạn mới
Trong giai đoạn mới, trước những khối lượng công việc và thách thức lớn đặt ra, công tác kiến trúc cần có sự đổi mới toàn diện hướng đến hiệu quả nội tại của nội dung thực hiện, đóng góp cho kết quả và thành công chung của chương trình NTM.
Trước hết, với công tác quy hoạch NTM, song song với việc hoàn thành phủ kín quy hoạch NTM trên phạm vi cả nước, cần hoàn thiện hơn nữa chất lượng quy hoạch các đồ án quy hoạch, đảm bảo không chỉ nội dung lồng ghép “3 trong 1”, mà còn phát huy tốt các lợi thế và nội lực phục vụ cho phát triển NTM một cách bền vững, giảm thiểu các tác động tiêu cực về an sinh xã hội, lao động sản xuất, ô nhiễm môi trường, có tính đến đầy đủ các yếu tố biến đổi khí hậu.
Các đồ án quy hoạch cũng cần được cập nhật thường xuyên, làm cơ sở phục vụ công tác quy hoạch dồn điền đổi thửa nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn… mà chương trình xây dựng NTM xác định như là một trọng tâm. Từ đó, tạo nên sức mạnh để huy động các nguồn lực và đóng góp của nhân dân cho đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, làm tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều nét văn hóa làng quê cần được bảo tồn và phát triển hơn nữa, để bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật các vấn đề mới để nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho từng vùng nông thôn trong bảo tồn và tôn tạo di sản, di tích; kiến trúc cảnh quan điểm quần cư nông thôn; tiêu chuẩn nhà ở nông thôn mới và các nội dung khác có liên quan; nhấn mạnh các tiêu chuẩn quản lý chất lượng các công trình xây dựng và hạ tầng nông thôn mới.
Hoàn thiện các thiết kế điển hình các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, đặc biệt với các vùng miền đặc trưng, như: vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số với rất nhiều khó khăn và đặc thù riêng. Nghiên cứu các mô hình nhà ở kết hợp với sản xuất, các yếu tố đặc thù riêng về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp… trên cơ sở các nghiên cứu khảo sát thực địa cụ thể và bài bản, bao quát trên diện rộng.
Nghiên cứu và đề xuất các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn, trong đó tập trung vào các mẫu nhà có quy mô vừa và nhỏ, khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ứng dụng được những công nghệ và vật liệu mới giúp giảm giá thành xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân nông thôn. Hướng tới các mẫu nhà hiện đại, tiệm cận với các tiêu chuẩn sống của đô thị, nhưng kế thừa các nét kiến trúc truyền thống tiêu biểu và đặc biệt bền vững, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Nhìn chung, cần có nhiều giải pháp và hành động cụ thể để ngay trong chương trình NTM, cần phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc vùng miền. Đặc biệt, quy hoạch kiến trúc nông thôn phải phù hợp với địa hình vốn có và kiến trúc cũng như văn hóa truyền thống vùng miền.
Vấn đề lớn nhất trong quá trình định vị và phát triển không gian tại các vùng đô thị tại Việt Nam là yếu tố mật độ cư dân quá cao và quá trình xây dựng thiếu kiểm soát trong phát triển mới và tái thiết đô thị. Vấn đề chính cần đặt ra ngay lúc này là điều chỉnh quá trình phát triển và đổi mới tái thiết đô thị sao cho khoa học và hợp lý.
Cần có các quy trình và kế hoạch cụ thể để có thể lồng ghép vào nội dung kiến trúc cảnh quan đô thị các giá trị cốt lõi của phát triển bền vững ở nhiều cấp độ khác nhau.
KTS. Đỗ Thanh Tùng
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia
theo baoxaydung