Thời gian qua, công tác khuyến nông đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người nông dân để tăng thu nhập, thoát đói nghèo, làm giàu thông qua các hoạt động đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con nông dân, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho nông dân trong huyện.
Ngay từ khi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới triển khai, được sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện đã xác định trách nhiệm trong việc gắn kết chức năng nhiệm vụ của mình với phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm (2011- 2015) thực hiện chương trình, hệ thống khuyến nông huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bám sát phương châm “coi trọng hiệu quả phát triển sản xuất kinh tế trên thực tiễn”, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Điện Biên đã chủ động phân công cán bộ khuyến nông phụ trách trên các địa bàn cụ thể. Theo đó, mỗi cán bộ khuyến nông được giao phụ trách từ 01 - 02 xã. Đây là cơ sở bảo đảm cho các mô hình chuyển giao có hiệu quả cao, hạn chế tối đa việc lãng phí nguồn vốn đầu tư, phù hợp với điều kiện, đặc điểm sản xuất của người dân trong thực tế.
Hệ thống kênh mương nội đồng xây dựng tưới tiêu tại xã Thanh Xương – huyện Điện Biên
Bên cạnh đó, góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật gắn với những mô hình điểm tại các cơ sở là lực lượng khuyến nông viên cấp xã. Nhận thức rõ vai trò của cán bộ khuyến nông xã là lực lượng nòng cốt trong tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại cơ sở, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Điện Biên đã chủ động bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cấp xã thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Hoạt động giao ban khuyến nông cũng có bước đổi mới, đi vào chiều sâu gắn với nội dung chuyên môn cụ thể. Thông qua việc tổ chức giao ban khuyến nông theo hình thức luân phiên tại cơ sở đã mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ khuyến nông viên được học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các mô hình làm kinh tế giỏi, các cơ sở chăn nuôi sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, lực lượng khuyến nông viên sẽ phát huy tốt vai trò tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã trong nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức chỉ đạo sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Bằng nhiều nguồn như vốn như Chương trình 135 giai đoạn II, vốn viện trợ của Chính phủ Đan Mạch…, huyện Điện Biên đã thực hiện chuyển giao 116 mô hình sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí khoảng trên 13 tỷ đồng. Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, sát với đặc điểm thực tế phát triển sản xuất chăn nuôi của người dân, huyện đã thực hiện chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chủ yếu gắn với những mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Trước những khó khăn về lao động nông nghiệp trên địa bàn chiếm tới 70%; địa bàn rộng, đường giao thông liên xã chưa được cứng hóa, thu nhập của các hộ dân vùng nông thôn còn thấp dẫn đến việc huy động đóng góp của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Để triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Điện Biên xác định không chỉ ưu tiên tập trung nguồn vốn vào những mục tiêu trọng tâm, cần thiết nhất đối với người dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như: Hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông liên thôn bản, mà phải nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, nhân dân trong huyện đã tự nguyện đóng góp ngày công, hiến đất mà không cần phải đền bù giải phóng mặt bằng. Với phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết", chương trình đã được huyện Điện Biên triển khai đồng bộ, mang lại sự đổi thay toàn diện.
Ông Trần Văn Hân, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Chăn nhận định: Giá trị của đề án mang lại cho xã Thanh Chăn trên mọi lĩnh vực là rất lớn. Chính quyền và nhân dân địa phương rất vui khi được Đảng, Nhà nước chọn xây dựng thí điểm mô hình; nếu không có đề án này thì mất nhiều năm sau nữa bộ mặt nông thôn ở Thanh Chăn khó có thể đạt được như ngày hôm nay.
Hiện tại Thanh Chăn là một mô hình xã điểm vùng biên, tạo động lực tiền đề cho 20% số xã trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên học tập, rút kinh nghiệm trong xây dựng mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêu chí mô hình nông thôn mới vào năm 2015. Kết quả xây dựng NTM ở Thanh Chăn đến nay đã đạt được những kết quả đáng mừng, thu nhập bình quân đầu người đạt 18.3 triệu đồng/năm, giáo dục - y tế đều đạt chuẩn quốc gia, 18/18 thôn bản có nhà văn hóa nơi sinh hoạt cộng đồng, 100% đường trục xã, đường ngõ xóm được bê tông hóa, an ninh chính trị , trật tự xã hội được giữ vững,18/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã cơ bản đạt yêu cầu.
Trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay huyện Điện Biên đã có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí, 6 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, 7 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 12 xã đạt dưới 5 tiêu chí, không có xã không đạt tiêu chí nào. Trong đó xã Thanh Xương là 1 trong 5 xã được huyện Điện Biên được chọn làm điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể gắn với nhu cầu bức thiết của người dân. Nổi bật trong năm 2014, nhân dân các đội 9a, 9b, 9c đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công và tiền mặt vượt so với mức đã quy định để làm 2,5 km đường bê tông nông thôn, phục vụ thuận lợi có hiệu quả việc đi lại của người dân. Đây chính là kinh nghiệm cách làm hiệu quả trong thực hiện chương trình nông thôn mới ở Thanh Xương. Song để đạt được 19 tiêu chí đối với 25 xã của huyện Điện Biên trong đó nhiều xã vùng ngoài, biên giới còn khó khăn thì lại không đơn giản, bởi nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các xã thấp, không đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, việc huy động sự đóng góp của người dân còn ít, nhiều tiêu chí khó có thể thực hiện đạt theo quy định.
Từ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc từng ngày. Đây chính là kết quả nổi bật từ sự quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự thống nhất chung sức của nhân dân các dân tộc trong huyện. Kết quả bước đầu sẽ là tiền đề, cơ hội quan trọng để huyện Điện Biên sớm hoàn thành các tiêu chí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo quy định đã đề ra.
Phát huy những kết quả đó không chỉ giúp người dân có thể phát triển kinh tế hộ bằng nội lực của gia đình cộng với sự hỗ trợ khoa học - kỹ thuật của Nhà nước để phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là cơ sở đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng nông thôn mới ở huyện Điện Biên đã được lan rộng tới tất cả các tầng lớp nhân dân, bà con dân tộc trong toàn huyện, cổ vũ phong trào thi đua cùng nhau chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới .
Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã