Có thể nhận thấy, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đã rất tích cực trong việc đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành. Các chuyên gia ví đây như một cuộc cách mạng lần thứ hai tạo sự quan tâm, thu hút của các lực lượng xã hội nhằm đổi mới ngành. Thời gian thực hiện tái cơ cấu chưa nhiều, nhưng ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, địa phương nào sớm xác định thế mạnh của mình; đưa ra được danh mục dự án kêu gọi đầu tư chính xác, cụ thể; đồng thời xác định được các khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó có những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, hỗ trợ thì địa phương đó sẽ có nhiều lợi thế trong gọi vốn, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
“Nhiều nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới để đầu tư vào nông nghiệp, do đó, nếu chuẩn bị tốt, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội vàng này”, ông Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Ngân hàng Tokyo Mitsubishi (Nhật Bản) đã bày tỏ mong muốn đưa kiến thức, kinh nghiệm của Nhật Bản kết hợp với lợi thế của Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Hay trong chuyến thăm Việt Nam của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Ibaraki, tỉnh có nền nông nghiệp phát triển nhất tại Nhật Bản, Thống đốc tỉnh Ibaraki – ông Hashimoto Masaru cũng khẳng định: Việt Nam có nguồn lực lao động dồi dào trong khi tỉnh Ibaraki lại có kỹ thuật và công nghệ cao. Chúng ta hoàn toàn có thể có một cơ chế hợp tác tối ưu để hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Một sự đầu tư, hợp tác điển hình trong thời gian gần đây đã minh chứng cho việc khi địa phương quyết tâm đổi mới, đưa ra những quyết sách táo bạo thì việc thu hút đầu tư quả là không khó. Đồng Tháp đã đưa ra những “chính sách ưu đãi nhất, cơ chế linh hoạt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất” để kêu gọi các nhà đầu tư đến với nông nghiệp của tỉnh. Nhận thấy những tiềm năng, cơ hội đó, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) đã ký thỏa thuận hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp với UBND tỉnh. KRC sẽ chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn từ Hàn Quốc, trong đó có các doanh nghiệp ở các lĩnh vực để xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo. Ông Lee Bong Hoon, Phó chủ tịch Tập đoàn KRC kỳ vọng, dự án PPP này được triển khai thành công sẽ hút vốn FDI Hàn Quốc đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.
Điểm thú vị trong việc hợp tác, đầu tư này theo ông Đặng Kim Sơn, nó đã vượt qua cả những khó khăn về cơ sở hạ tầng của Đồng Tháp, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài xưa nay vẫn ngán ngại. Ngoài KRC, Đồng Tháp đã có sự hợp tác với tỉnh Ibaraki (Nhật bản), sự hỗ trợ của World Bank trong phát triển lúa gạo. Không chỉ riêng Đồng Tháp, gần đây hàng loạt các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa đoàn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về sản xuất và chế biến, bảo quản nhiều mặt hàng nông thủy sản cũng đã được ký kết. Những tín hiệu đầu tư từ bên ngoài vào nông nghiệp đã mở ra. Các dự án đã bắt đầu góp phần thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, làm đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.
Theo các chuyên gia, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ là kênh bổ sung nguồn vốn cho phát triển, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, mà quan trọng hơn là thông qua đây, các nguồn kỹ thuật - công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn lao động có cơ hội được chuyển giao và phát huy mạnh mẽ. Đó chính là những cơ sở rất cần thiết cho việc đưa ngành nông nghiệp Việt Nam tiến tới phát triển bền vững.
Nhưng với các nguồn hỗ trợ và đầu tư ngày càng trở nên khó khăn, theo ông Đặng Kim Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cần nghiên cứu thúc đẩy mô hình PPP để tạo ra nhiều cửa vào lựa chọn đầu tư cho các doanh nghiệp ngoại tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Mô hình này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam nhờ tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ kỹ thuật và vốn cũng như kinh nghiệm quản lý từ các tập đoàn và công ty đa quốc gia.
Để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát khẳng định, vấn đề quan trọng là các chính sách phải rõ ràng, minh bạch, nhất quán, lâu dài để nhà đầu tư yên tâm. Bộ trưởng cũng kêu gọi và mở rộng các hình thức hợp tác, đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu hơn trong các phân khúc có giá trị gia tăng cao như chế biến, thương mại trong chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp./.
Theo TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã