Người dân thôn 1A, xã Ea M’nang vẫn còn nhớ vụ tai nạn của ông Hoàng Văn Nguyện, Bí thư Chi bộ thôn xảy ra cách đây hơn hai tháng. Đang đứng chỉ huy xe cày chở đá về làm con đường ngõ xóm thì ông Nguyện bị một chiếc xe cày mất lái húc vào bụng và hất ông văng xuống mương thủy lợi bên đường, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Trở về sau vụ tai nạn, người đảng viên, cựu chiến binh đã 70 tuổi đời ấy vẫn sôi nổi, hăng hái: “Tôi vẫn ra chỉ huy công trường làm đường chứ. Mình là đảng viên, không tiên phong, gương mẫu là không được”. Niềm vui nhất của ông Nguyện là con đường ngõ xóm ấy giờ đã được rải đá, đổ đất đôn cao lên, không còn cảnh lầy lội, lồi lõm mỗi khi mùa mưa đến, lại còn có cả đèn đường thắp sáng ban đêm.
Chỉ tính từ cuối năm 2013 đến nay, bà con thôn 1A đã đóng góp nâng cấp, rải cấp phối (lót đá cứng và đổ đất phía trên) 2.180 m đường giao thông nông thôn; mắc điện đường trên suốt trục đường chính từ đầu đến cuối thôn (khoảng 300 m). Có thể nói, để vận động bà con chung tay làm được như vậy, vai trò của cán bộ, đảng viên rất lớn, nhất là sự gương mẫu, đầu tàu trong mọi hoạt động. Như ở Chi bộ thôn 1A, các đảng viên không những đến tận nhà để vận động mà còn phải làm gương bằng cách đóng góp trước, thậm chí đóng tiền ngay tại cuộc họp dân bàn về việc làm đường. Khi đi vận động, cấp ủy, đảng viên trong chi bộ cùng với Ban tự quản thôn kiên trì vận động, họp dân nhiều lần để giải thích cho người dân hiểu được mục đích của chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà Võ Thị Tuyết, Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ thôn 1A kể: “Lần đầu họp dân bàn về chuyện làm đường, có 2/3 số hộ nhất trí đóng góp tiền của, hiến đất, nhưng 1/3 số hộ còn lại thì vẫn không đồng ý bởi nhiều hộ sợ mất đất. Chúng tôi phải kiên trì vận động rất nhiều, họp lần 1 không được thì họp lần 2, lần 3. Bản thân tôi đi vận động bà con nhiều lúc cũng “rát mặt” lắm nhưng mình là đảng viên, là cán bộ thôn, không nỗ lực, kiên trì, cố gắng thì biết đến bao giờ thôn mình mới có bộ mặt khang trang? Khi triển khai làm hai tuyến đường của đội 2 trước, nhiều nhà vẫn không chịu giải tỏa. Thôn quyết định bầu tổ trưởng, tổ phó và một ban giải tỏa mặt bằng phụ trách hai tuyến đường này, trong đó tổ trưởng là ông Trần Đình Công đã tự nguyện phá cổng và sân, hiến đất để làm đường. Thấy cán bộ gương mẫu làm trước, bà con cứ thế làm theo. Để mở rộng, rải cấp phối 2 tuyến đường nói trên (chiều dài khoảng 2.000 m), đã có 48 hộ tình nguyện hiến đất, nhiều nhà hiến 100-200m2. Bây giờ thôn có đường rộng, có điện đường sáng, thành lập tổ an ninh, tổ hòa giải, cuộc sống thoải mái hơn hẳn”.
Bí thư Đảng ủy xã Ea M’nang Phạm Đức Hạnh (người đầu tiên, bên phải) và các cán bộ, đảng viên thôn 1A đi thăm một con đường mới làm.
Quả thật, nhờ sự nhẫn nại và cả phần kiên quyết của cán bộ, đảng viên trong thôn, nhiều hộ dân thôn 1A đã sẵn sàng phá sân, dỡ trụ tiêu, nhường hàng trăm mét vuông đất để mở rộng con đường 5 m, làm đường mương thoát nước hai bên đường. Như gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng ở đội 2 đã hiến mảnh đất dài 80 m, rộng 3m – 3,5m để làm đường, đồng thời tự nguyện đào sân, tháo cổng để thông đường. Hay nhà anh Phan Trọng Hồng đã phá bỏ 40 trụ tiêu tươi tốt, đang thời kỳ kinh doanh để mở rộng đường. Anh Hồng tâm sự: “Cũng tiếc lắm chứ, mỗi cây tiêu trị giá hàng triệu đồng. Nhưng được cán bộ thôn và cả Bí thư Đảng bộ xã vận động, động viên, tôi hiểu rằng mình phải hy sinh một chút, góp phần làm cho bộ mặt thôn xóm đẹp lên. Bây giờ nhìn con đường thông thoáng, không còn cảnh âm u, nhỏ hẹp vì cây cối trồng lấn ra đường, lại có mương thoát nước để nước không tràn vào vườn tiêu mỗi khi mùa mưa đến, tôi càng thấy sự đóng góp của mình và bà con vô cùng ý nghĩa”.
Không chỉ ở thôn 1A, ở các thôn 1B, 2B, thôn 3, thôn 6, thôn 7 của xã Ea M’nang, phong trào góp công, góp của làm đường giao thông, xây dựng sân bóng, nhà sinh hoạt cộng đồng cũng diễn ra sôi nổi. Vào những ngày làm đường, cùng với bà con nhân dân trên địa bàn, tất cả các cán bộ, đảng viên, thậm chí cả Bí thư Đảng ủy xã đều có mặt ở công trường, xắn tay bốc đá, xúc đất như mọi người. Ông Phạm Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Cán bộ, đảng viên không thể đứng ngoài cuộc mà phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động. Điển hình như ông Hoàng Văn Nguyện, bà Võ Thị Tuyết ở Chi bộ thôn 1A; bà Nguyễn Thị Lê ở Chi bộ thôn 3; ông Trần Văn Điều ở Chi bộ thôn 8... rất năng nổ, nhiệt tình với phong trào. Bản thân tôi cũng trực tiếp đến tận nhà các hộ dân để thuyết phục, vận động họ, làm sao để phong trào xây dựng nông thôn mới đúng là “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”. Đến nay, với sự đóng góp của người dân, xã đã xây dựng được khoảng 5 km đường cấp phối và 200 m đường bê tông, mắc điện đường trên tuyến đường trục chính của thôn 1A và một số tuyến đường xương cá ở các thôn 1A, 1B, 2A.. Người dân còn góp tiền mua đất, xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng và hiện nay toàn bộ 9 thôn trên địa bàn xã đã có nhà hội trường thôn; trong đó hội trường thôn 1B mới được xây dựng rất khang trang do người dân đóng góp hơn 160 triệu đồng; ở thôn 7, chị Nguyễn Thị Hương, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2đất để làm địa điểm xây dựng hội trường và 720 m2 đất để góp phần mở rộng đường vào hội trường.
Mặc dù vẫn còn vô vàn khó khăn, xã Ea M’nang vẫn đang từng bước vượt khó, huy động sức mạnh nội lực xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới và nỗ lực duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo: daklak24h.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã