Ngân hàng thế giới (World Bank) đã đánh giá: “Agribank là một trong số các định chế tài chính thành công và hiệu quả nhất trên thế giới xét về khía cạnh chi phí hoạt động thấp và khả năng tiếp cận các hộ gia đình nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ”. Trong quá trình phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến năng suất và hiệu quả thấp, khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững là mục tiêu hàng đầu được Agribank hướng đến.

Đồng hành phát triển nông nghiệp sạch
Nông dân huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vay vốn Agribank để trồng rau sạch. 

Để thực hiện mục tiêu này, Agribank đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả như: Ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hàng chục đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên nguồn vốn hợp lý bảo đảm tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp phù hợp, bền vững; cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo, cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp... Trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của ngành ngân hàng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ ngày 1-11-2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng. Trong đó, có rất nhiều đối tượng, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vay vốn từ Agribank như: Mô hình trồng rau, hoa, quả (tỉnh Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (tỉnh Cần Thơ), chăn nuôi (các tỉnh: Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (các tỉnh: Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (các tỉnh: Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh và Kon Tum), trồng ngô (tỉnh Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (tỉnh Bình Thuận)… Ngoài ra, Agribank tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành mới cơ chế, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp theo hướng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp quy định của pháp luật, không đầu tư tín dụng nếu dự án chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, phát triển không bền vững.

Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Agribank dù chưa phải quá dài, nhưng là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ và kiên trì, ghi dấu sự đoàn kết, thống nhất cao của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên. Agribank đã, đang và tiếp tục khẳng định là một ngân hàng ra đời vì sự phát triển của nền nông nghiệp, trưởng thành từ sự gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.                   

Bài và ảnh: DƯƠNG TỬ

http://www.qdnd.vn