Theo thống kê của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, do chưa áp dụng công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản, nên tỷ lệ thất thoát thực phẩm sau thu hoạch ở Việt Nam khá cao: Rau quả 32%, thịt 14%, thủy sản 12%.
Quản trị hiệu quả hạn chế
Ts.Đào Thế Anh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam, cho biết trong 2 năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam được mùa. Tuy nhiên, một thực trạng mà đến nay ngành nông nghiệp vẫn chưa giải quyết được là điệp khúc “được mùa là mất giá”.
Chính vì thế, mới đây ngành nông nghiệp đã có cuộc họp bàn về xuất khẩu (XK) cây ăn quả và chính sách tập trung giải quyết đầu ra cho nhãn, vải vụ tới.
Một nguyên nhân được đưa ra là việc tham gia của các sản phẩm nông nghiệp vào trong chuỗi giá trị thấp. Mặc dù hiện nay, các thói quen của người tiêu dùng (NTD) đã thay đổi, thay vì mua ở chợ truyền thống, NTD đã tìm sản phẩm trong các kênh bán lẻ hiện đại.
Như vậy, để NTD có thể lựa chọn được sản phẩm an toàn thì các sản phẩm nông nghiệp cần nằm trong chuỗi giá trị, được tích hợp và tìm kiếm bởi công nghệ.
Tuy nhiên, hiện nay, một số mặt hàng nông nghiệp đã tham gia chuỗi giá trị nhưng hiệu quả chưa cao, nên việc tiêu thụ sản phẩm không chỉ XK mà tiêu thụ ngay trong nước còn hạn chế.
Đơn cử như chuỗi giá trị sản phẩm tươi sống, việc áp dụng công nghệ lạnh là xu hướng trong thời gian tới. Tuy nhiên, thủy sản đạt tỷ lệ áp dụng 95%, sữa 33%, thịt 12%, rau quả từ 6 - 7% là rất thấp.
Theo thống kê, đến tháng 8/2017, cả nước có gần 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn (50% hoạt động hiệu quả).
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng 50% chuỗi hoạt động tốt là do biết áp dụng công nghệ vào sản xuất. Sản xuất phải phục vụ nhu cầu của thị trường, thị trường cần gì sản xuất nấy. Việc mấu chốt nhất trong chuỗi này là làm sao để lợi ích phân bổ một cách minh bạch giữa người sản xuất và DN.
Trên cả nước hiện đã có nhiều chuỗi giá trị thành công |
Nhiều mô hình HTX thành công
Để chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả cần môi trường thể chế, các tiêu chuẩn quy định khác nhau. Đồng thời, chuỗi giá trị trong nông nghiệp cần tạo việc làm cho người nghèo, người nông dân, giá trị đều được phân chia công bằng hợp lý.
Theo nhiều chuyên gia, chỉ có chính quyền địa phương và THT/HTX tham gia xây dựng chuỗi giá trị chưa đủ, mà cần có sự kết hợp với các DN.
“Đây là mô hình thể chế quản trị, đặc trưng có nhiều tác nhân tham gia. Ai sẽ là CEO của chuỗi giá trị nông sản: Có thể là DN hoặc có thể HTX”, Ts. Nguyễn Thế Anh cho hay.
Hiện nay, trên cả nước đã có nhiều chuỗi giá trị thành công, có sự tham gia của DN và đưa công nghệ vào quy trình sản xuất, tiêu thụ, bảo quản sản phẩm nông nghiệp.
Đơn cử như HTX rau Anh Đào (Đà Lạt) hợp tác với Coop mart; HTX rau Mộc Châu ký kết với Fivimart; mô hình kinh doanh chuỗi giá trị nấm của HTX Nấm Tuấn Linh tập hợp hàng chục THT và đã ký hợp tác với Vineco...
Các chuỗi giá trị này đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, hiệu quả, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch thông tin, như nhận xét của nhiều NTD: “Dù ở Hà Nội, nhưng biết được rau, quả của mình được chăm sóc như thế nào, trồng ở đâu”.
Bàn về vấn đề thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam, Ts. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, cho rằng Việt Nam đang đi sau, để bằng được các nước thì phải áp dụng công nghệ, nhưng để ứng dụng toàn bộ vào nền nông nghiệp thì gặp nhiều vấn đề khác nằm trong nền tảng xã hội, như các vấn đề thể chế, đất đai, về tổ chức sản xuất rất còn nhiều trở ngại.
Như vậy, để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, nhiều nhà khoa học đã đề xuất các cơ quan chức năng cần tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi, tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết DN - THT/HTX, thúc đẩy tài chính cho chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ quản trị hiện đại, liên kết để nghiên cứu - chuyển giao công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn - thương hiệu và hệ thống dịch vụ chứng nhận chất lượng ATTP.
Minh Trang
http://thoibaokinhdoanh.vn