Tại cuộc họp giao ban của 4 Ban quản lí Trung ương các dự án ODA (gọi tắt là các CPO) thuộc Bộ NN-PTNT diễn ra vào ngày 18/7, BQL các dự án Nông nghiệp (CPO Nông nghiệp) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình giải ngân vốn vay của nhiều dự án ODA vẫn có tiến độ thực hiện chậm. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2012, CPO Nông nghiệp mới chỉ giải ngân được 843 tỉ đồng, đạt 48,2% kế hoạch do Bộ NN-PTNT giao và chỉ đạt 31,4% so với kế hoạch mà CPO Nông nghiệp đăng ký thực hiện trong năm 2012.
Cụ thể, một số dự án ODA như dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung", 6 tháng đầu năm mới chỉ giải ngân được 428 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch do Bộ NN-PTNT giao. Tương tự, dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh MNPB” chỉ giải ngân được 36 tỉ đồng, đạt 33% kế hoạch; dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP” đạt 52 tỉ đồng, bằng 20% kế hoạch; Dự án “Quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh” chỉ đạt 15 tỉ đồng – bằng 10% kế hoach… Trong tổng số 10 dự án ODA của CPO Nông nghiệp quản lí, chỉ có 3 dự án có tiến độ giải ngân đến thời điểm này vượt quá 50% kế hoạch năm mà Bộ NN-PTNT giao, cá biệt như Hợp phần B và một phần của Hợp phần C của Dự án cao su tiểu điền, đến nay mới chỉ giải ngân được 5% kế hoạch…
Về những nguyên nhân khiến các dự án bị chậm triển khai, ông Nguyễn Hữu Khương, Trưởng ban CPO Nông nghiệp cho rằng, các dự án ODA về lĩnh vực nông nghiệp hiện có đặc thù rất khó khăn khi triển khai, đặc biệt là “vướng” về quy hoạch tại địa phương. Theo ông Khương, có nhiều dự án về trồng trọt hay chăn nuôi đã triển khai 3 năm nhưng vẫn không thể thực hiện được, nguyên nhân là khi triển khai, dự án vẫn chưa được địa phương duyệt lọt vào vùng quy hoạch SX. Một vướng mắc khác, theo ông Khương đó là nhiều tỉnh hiện nay thực hiện cấp vốn đối ứng hết sức chậm chạp, thậm chí không có khả năng cấp vốn đối ứng khiến nhiều dự án bị “ngâm” nhiều năm liền.
Để giải quyết dứt điểm thực trạng này, bà Nguyễn Thị Tuyết Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) khẳng định, các địa phương từ nay phải ký cam kết thực hiện vốn đối ứng trước khi triển khai, nếu không thì kiên quyết không triển khai dự án. Tuy nhiên cũng theo bà Hòa, để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân các dự án trong điều kiện nguồn vốn tự có của các địa phương rất khó khăn như hiện nay, phải cắt giảm tỉ lệ vốn đối ứng theo hướng từ ở mức 15 – 20% như trước đây xuống mức thấp nhất có thể. Thay vì tư duy muốn cho tổng mức đầu tư các dự án “càng lớn càng tốt” như trước đây, dự án nào có vốn đối ứng thấp nhất, sẽ được triển khai trước.
Lãnh đạo Vụ HTQT khẳng định thêm, các dự án ở tỉnh nào triển khai chậm, chậm giải ngân thì kiên quyết cắt dự án đó để chuyển vốn cho các địa phương khác làm tốt hơn, chứ không để tình trạng “ngâm dự án” tiếp diễn.
Lê Bền
Nguồn:nonggnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã