Tỉnh Hà Nam đang bắt đầu “hái quả ngọt” trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, nhờ đẩy mạnh chính sách tích tụ ruộng đất trong vài năm trở lại đây. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã tích tụ được hơn 1.000 ha đất nông nghiệp, theo hình thức tỉnh đứng ra thuê đất của nông dân và cho DN thuê lại.
Ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam cho biết, đến nay tỉnh đã giao đất cho 6 DN Nhật Bản để đầu tư vào dự án trồng rau trong nhà kính dùng công nghệ đèn led, cũng như các dự án trồng rau, củ, quả chất lượng cao, sử dụng công nghệ cao.
Nhưng đáng tiếc là, trường hợp như Hà Nam không phải phổ biến trên cả nước. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2015, cả nước chỉ có 18 dự án cấp mới và 14 lượt dự án tăng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 267,5 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2015, vốn FDI vào nông nghiệp đạt khoảng 3,63 tỷ USD.
So sánh với các ngành nghề, lĩnh vực khác càng thấy quy mô vốn ngoại đổ vào nông nghiệp đang tiếp tục “teo tóp”. Nếu như năm 2001, vốn FDI vào nông nghiệp chiếm khoảng 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam, thì tới nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 1,3%. Quy mô mỗi dự án nông nghiệp xấp xỉ 7 triệu USD, cũng thấp hơn đáng kể so với quy mô vốn bình quân một dự án FDI vào khoảng 14 triệu USD.
Chính sách thu hút FDI chưa thực sự “nắn” được dòng vốn vào nông nghiệp |
TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, thời gian qua, tuy số vốn đăng ký và giải ngân vào lĩnh vực nông nghiệp không cao, song hoạt động nghiên cứu và phát triển của NĐT nước ngoài vẫn được tiến hành ráo riết tại nhiều địa phương.
Mặc dù vậy, ông Thắng cũng đánh giá, chính sách thu hút FDI chưa thực sự “nắn” được dòng vốn vào nông nghiệp. Do đó dù chủ trương thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực này đã rất mạnh mẽ và luôn được khẳng định từ nhiều năm nay, song các rào cản vẫn còn nhiều khiến nhà đầu tư chần chừ trong việc chuyển từ thăm dò, nghiên cứu sang sản xuất hàng hoá chính thức.
Khó khăn điển hình là việc tìm kiếm diện tích đất đai quy mô lớn để triển khai các dự án nông nghiệp. Nếu làm theo phương thức truyền thống, DN muốn có đất phải đàm phán với từng hộ nông dân để mua lại quyền sử dụng đất. Khi họ có trong tay hàng chục, thậm chí hàng trăm sổ đỏ, họ phải làm việc với chính quyền địa phương thuê lại phần diện tích đó. Đây đều là những thủ tục phức tạp, tốn kém và kéo dài.
Một NĐT Nhật Bản cho biết, quy trình này là khó khăn phổ biến đối với các NĐT muốn rót vốn làm nông nghiệp tại Việt Nam. Do đó, có thể thấy thành công của Hà Nam có được vừa qua là nhờ chính quyền cấp cao nhất của tỉnh đã trực tiếp xắn tay vào hỗ trợ NĐT.
Bên cạnh đó, trong mắt NĐT, cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn yếu kém. Việc xây dựng hệ thống đường cao tốc tại các đô thị lớn đã được triển khai nhưng hạ tầng tại các khu nông nghiệp lân cận vẫn chưa được nâng cấp. Xét về yếu tố này, có thể thấy trường hợp tỉnh Hà Nam cũng được cộng điểm nhờ nằm ở vị trí “vùng Hà Nội”, có cơ cấu hạ tầng không kém nhiều đô thị khác nhưng giá thuê đất rất rẻ.
Mặc dù sự nỗ lực của chính quyền địa phương đã tạo thành động lực để thu hút FDI vào nông nghiệp, song theo các NĐT nước ngoài, quan trọng nhất vẫn là các chính sách vĩ mô. Trao đổi về vấn đề này, nhóm Công tác Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đưa ra khuyến cáo, chính sách thu hút FDI vào nông nghiệp hiện nay vẫn rất chung chung và mơ hồ, khiến NĐT chưa đủ yên tâm.
Đơn cử như Dự thảo Nghị định Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo đã đề xuất một danh sách các lĩnh vực và tham chiếu tới các địa điểm đầu tư được ưu đãi.
Tuy nhiên, NĐT cho rằng lý do ưu đãi đối với những lĩnh vực và địa điểm này chưa thực sự rõ ràng. Thêm vào đó, các quyết định ở Nghị định còn mang tính chủ quan và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhìn chung, các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mới chỉ áp dụng cho DNNVV trong nước, chưa áp dụng được đối với DN FDI, nên các NĐT còn chần chừ rót vốn.
Cần lưu ý rằng, chỉ một thay đổi về chính sách sẽ hối thúc NĐT mạnh dạn rót vốn. Điển hình như việc quy định về thời hạn giao đất nông nghiệp kéo dài tới 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đã đảm bảo chắc chắn hơn cho lợi ích của NĐT và khiến họ mạnh dạn “mở hầu bao”. Từ đó có thể thấy, dòng vốn ngoại đang chờ đợi những chuyển động chính sách thiết thực như vậy.
Ngọc Khanh
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã