Tăng giá trên thị trường
Sau một thời gian dài rớt giá, những ngày gần đây tại khu vực miền Trung cũng như cả nước, giá heo đã tăng trở lại trên thị trường với tốc độ khá nhanh. Cụ thể, có thời điểm giá heo hơi ở khu vực miền Trung lên đến 52 nghìn đồng/kg. Tăng giá cao có thể kể đến ở Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức 52 nghìn đồng/kg, còn tại các địa phương khác như, Quảng Bình hay Quảng Nam giá heo hơi cũng từ 49 đến 50 nghìn đồng/kg...
Người nuôi heo cần cẩn trọng khi tái đàn |
Giá heo tăng trên thị trường đã mang lại niềm vui cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, chính điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro, như từng xảy ra những năm trước khi việc tái đàn diễn ra ồ ạt tại nhiều địa phương...
Tại khu vực miền Trung, giá heo tại thời điểm này đã tăng gần gấp đôi so với năm 2017. Trong khi, nguồn cung đang có dấu hiệu chững lại, đã khiến cho nhiều thương lái phải lùng sục vào tận các ngõ, xóm mới mong có hàng. Bà Đặng Thị Hồng Hoa, chuyên nghề nuôi heo ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, những ngày gần đây rất nhiều thương lái từ TP. Đà Nẵng và các vùng lân cận đã tìm về địa phương để lùng mua heo.
Thế nhưng, rất ít nhà có heo để bán. Trong chuồng nhà bà Hoa cũng đang có đàn heo 20 con, với trọng lượng khoảng 65kg/con, tuy nhiên gia đình vẫn chưa có ý định xuất chuồng vào thời điểm này.
Bà Hoa cho biết thêm, có một số thương lái vào năn nỉ gia đình bán heo. Song, tôi vẫn quyết định nuôi thêm thời gian nữa, khi đó trọng lượng của heo cũng như giá thu mua có thể sẽ nhích lên thêm đôi chút. Bây giờ giá đang lên không việc gì phải vội vàng bán tống bán tháo như thời điểm cuối năm 2017.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đông, trú cùng địa phương cho biết thêm, năm ngoái thời điểm giá heo trên thị trường sụt giảm, đặc biệt vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2018 giá heo hơi trên thị trường rớt xuống còn 30 nghìn đồng/kg hơi. Tuy nhiên, đến thời điểm này giá heo đã nhảy lên gần gấp đôi khiến người nuôi rất phấn khởi.
Theo tính toán của ông Đông, với mức giá như hiện nay chỉ sau khoảng 4 đến 5 tháng chăm sóc, người chăn nuôi có lãi từ 1 đến 1,5 triệu đồng/con, tùy theo từng giống heo. Vốn là địa bàn cung cấp một lượng lớn thịt heo cho TP. Đà Nẵng, nên tại các địa phương trong tỉnh Quảng Nam phong trào nuôi heo khá phát triển trong những năm gần đây. Nhiều gia đình đã trở nên khá giả với nghề nuôi heo. Song, trước việc giá heo rớt giá thê thảm trên thị trường cũng đã khiến cho nhiều gia đình ở địa phương phải “treo” chuồng, thậm chí còn nợ nần.
Theo đại diện một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm sạch tại TP. Đà Nẵng, nguyên nhân chính khiến giá heo trên thị trường tăng cao trong thời gian qua, do vào thời điểm cuối năm 2017 nhiều hộ gia đình nuôi heo ở khu vực đã bán tháo đàn heo thịt, bán luôn heo nái với giá rất rẻ.
Chỉ một số ít vẫn duy trì chăn nuôi, tuy nhiên nuôi với số lượng ít nên nguồn cung trên thị trường giảm cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể một số trang trại, HTX chăn nuôi lớn không cầm cự nổi trong thời điểm giá heo rớt xuống chỉ 30 nghìn đồng/kg hơi, cũng đã phải “treo” chuồng, hoặc giảm đàn...
Bài học khủng hoảng thừa
Ngoài yếu tố nguồn cung giảm, nguyên nhân giá heo trên thị trường tăng lên như trong thời gian qua còn do cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Trong đó, có thể kể đến việc các địa phương đã kiểm soát tốt việc tăng đàn, khi tổng đàn heo cả nước hiện đã giảm khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017, thời điểm giá heo trên thị trường giảm sâu.
Bên cạnh đó, sức mua trong nước cũng tăng đáng kể thông qua nhiều hình thức hỗ trợ tiêu thụ hay “giải cứu” nhằm hỗ trợ người chăn nuôi. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2018 dự báo sẽ đạt 2,78 triệu tấn thịt xẻ, tăng 74 nghìn tấn, tương đương tăng 2,74% so với mức 2,703 triệu tấn của năm 2017.
Với những tín hiệu khả quan của thị trường thịt heo, nên người chăn nuôi ở khu vực miền Trung cũng như ở các địa phương khác trong cả nước đã rục rịch lên kế hoạch tái đàn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người chăn nuôi phải hết sức thận trọng khi tái đàn. Trên thực tế, giá heo trên thị trường đã tăng vọt trong thời gian gần đây, điều này khiến cho nhiều người nuôi phấn khởi sau một thời gian cầm chừng. Hy vọng có lợi nhuận, nhiều người đã lập tức lên kế hoạch tái đàn.
Tuy nhiên, thực tế giá heo trên thị trường những năm gần đây diễn biến khá phức tạp, khó lường. Bài học về khủng hoảng thừa còn để lại những hệ lụy nhãn tiền. Bởi vậy, khi tiến hành tái đàn đòi hỏi người nuôi phải lên kế hoạch chủ động liên kết được đầu ra, hoặc chăn nuôi heo theo hướng sản phẩm sạch để có thể đứng vững trước sự bất ổn của thị trường.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia hiện tại Trung Quốc sản lượng thịt heo sẽ tiếp tục đà tăng mạnh trong năm 2018. Nghề chăn nuôi heo ở quốc gia này đã và đang bước vào chu kỳ mới, với tổng đàn heo chiếm đến 60% thế giới, không những đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và còn đẩy mạnh việc xuất khẩu.
Thực tế, hiện nay giá thịt heo ở Trung Quốc vẫn rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, nếu công tác bảo vệ thị trường không tốt, kiểm soát, ngăn chặn yếu khả năng thịt heo giá rẻ từ quốc gia này đổ bộ, gây ảnh hưởng tới người chăn nuôi trong nước là rất cao. Bởi vậy, nếu vội vã tái đàn một cách ồ ạt, giá heo lại có thể quay đầu giảm giá như đã từng xảy ra trong thời gian qua...
Được biết, nhằm kiểm soát tình hình ngoài việc đưa ra những khuyến cáo đối với người chăn nuôi, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang tăng cường kiểm soát việc tăng đàn heo nái ở thời điểm hiện tại, hướng đến mức 3,5 đến 3,8 triệu con trong giai đoạn 2020 - 2025. Bên cạnh, tăng cường định hướng phát triển chăn nuôi heo theo hướng gia trại, trang trại, chăn nuôi lớn theo hình thức liên kết để sản phẩm có đầu ra và giá cả ổn định.
Bài và ảnh Nghi Lộc/http://thoibaonganhang.vn