Gần 1 tháng nay, người nông dân lẫn người tiêu dùng lại xôn xao khi giá thịt heo bất ngờ tăng vọt, trong khi thị trường không có dấu hiệu khan hiếm thực phẩm. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Có hay không tình trạng một số tập đoàn chăn nuôi, cung ứng thực phẩm đang âm thầm tạo ra cơn sốt ảo?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng giá thịt heo đang có vấn đề bất thường và sự điều tiết của cơ quan chức năng cũng “đang có vấn đề”.
Ông Nguyễn Đăng Vang khẳng định mặc dù giá heo hiện đang tăng cao bất ngờ nhưng người nông dân lại bán sạch heo từ đầu năm và năm ngoái sau đợt khủng hoảng giá phải giải cứu. Hiện chỉ các tập đoàn lớn mới có lãi vì họ mới có đủ vốn để chăn nuôi. Theo ước tính, các tập đoàn, doanh nghiệp, trang trại lâu nay cung ứng khoảng 70% cho thị trường, còn các nông hộ chỉ chiếm 30%.
Ông Vang cho rằng: "Rõ ràng, cách dự báo, điều hành của các cơ quan nhà nước đang có vấn đề, không giúp ích gì cho người nông dân chăn nuôi, cuối cùng ngay cả người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt hại vì mua thịt heo giá cao".
Trong bối cảnh giá thịt heo "nhảy múa" không theo quy luật, chiều nay, tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Chăn nuôi và sau đó Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có báo cáo thẩm tra dự án luật này.
Trong dự thảo Luật Chăn nuôi, nội dung nổi bật đáng chú ý là Nhà nước sẽ xem chăn nuôi là một hoạt động có điều kiện và phải được cấp giấy phép mới được chăn nuôi.
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, nông sản nước ta liên tục đối mặt tình trạng dư thừa, sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm. Từ chỗ chỉ sản xuất được 2,5 - 2,7 triệu tấn thịt năm 2005 đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn/năm 2005 nay đã lên đến 800.000 tấn. Sản lượng trứng từ chỗ chỉ 4 - 4,5 tỷ quả thì năm 2016 đã tăng lên trên 9 tỷ quả.
Nhưng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết cùng với việc phát triển mạnh ngành chăn nuôi cũng phát sinh nhiều hệ lụy như vấn đề dịch bệnh tràn lan (lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tai xanh...) ô nhiễm môi trường, chăn nuôi trong khu dân cư, phát triển thiếu quy hoạch; kinh doanh giống giả, giống kém chất lượng, nhập lậu giống không qua kiểm dịch; thức ăn kém chất lượng, sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng…
“Đặc biệt, trong những năm gần đây, đã xuất hiện tình trạng dư thừa sản phẩm, cung vượt quá cầu, công nghiệp giết mổ và chế biến chưa phát triển, ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến giá sản phẩm giảm sâu dưới giá thành, không xuất khẩu được, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo đó, dự thảo Luật Chăn nuôi đưa ra quy định các chủ trang trại muốn mở trang trại chăn nuôi thì phải đăng ký với UBND cấp huyện, còn các chủ hộ muốn chăn nuôi phải kê khai với UBND cấp xã. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có trách nhiệm quy định quy mô chăn nuôi đối với trang trại và nông hộ.
Giá heo trên cả nước đang tăng chóng mặt. Trước thực trạng này, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị, với giá heo tăng đột biến như hiện nay cần phải xem lại vấn đề đầu tư, quy hoạch cho người chăn nuôi.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa: "Giá heo tăng chỉ có doanh nghiệp có "tiềm lực" được hưởng lợi, còn đối với những người chăn nuôi nhỏ lẻ, họ lại không được hưởng lợi nhiều”.
VĂN PHÚC/theo sggp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã