Với hợp tác xã kiểu mới, đời sống người nông dân sẽ được cải thiện Thời gian qua, khu vực nông thôn bộc lộ những vấn đề hết sức đáng quan tâm. Có thể nói là khó hiểu khi nông dân ở một số nơi đã trả lại ruộng, lý do duy nhất là làm ruộng vất vả nhưng không có lãi. Cũng cần nhớ lại, cuộc cách mạng vĩ đại xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của đất nước đạt được nhiều thành tựu, trong đó có việc người cày có ruộng, rồi xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp. Vì thế, việc người nông dân trả lại ruộng (tuy là số ít) cũng cần được xem là hệ trọng. Bên cạnh đó, một số người tuy vẫn giữ ruộng trên danh nghĩa, nhưng đã cho người khác mượn để canh tác. Có người lại ngầm bán cả ruộng của mình cho người khác. Từ đó dẫn tới việc tích tụ ruộng đất nông nghiệp ở một số nơi, dần hình thành một tầng lớp "địa chủ mới”, còn người nông dân sau khi mất ruộng đã quay lại phận làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Cuộc sống của người nông dân những năm qua tuy đã được cải thiện, nhưng so với mức sống của cư dân thành thị thì khoảng cách lại giãn rộng. Vì thế, ở nhiều làng xã, thanh niên và cả trung niên đã dời làng lên thành phố kiếm việc. Trong số đó nhiều người không bao giờ còn trở về quê làm ruộng, chăn nuôi nữa. Lao động chính của làng hao hụt, không ít làng chỉ còn lại người già, trẻ em và phụ nữ lớn tuổi. Chủ trương "ly nông không ly hương” được đặt ra, nhưng tính khả thi ít. Khi lực lượng trẻ dời làng, cũng có nghĩa là việc đưa tiến bộ kĩ thuật vào canh tác, chăn nuôi sẽ gặp khó khăn. Từ đó khó thay đổi phương thức làm ăn cổ truyền, năng suất thấp. Việc những ông bố bà mẹ lên thành phố lao động để lại làng những đứa con của mình cũng tạo ra những vấn đề xã hội, mà hậu quả của nó không chỉ trước mắt mà còn là những hệ lụy lâu dài. Việc thu mua nông sản của người nông dân cũng tồn tại bất cập. Điệp khúc được mùa rớt giá luôn là nỗi ám ảnh của người nông dân. Mỗi khi vào vụ gặt, hoặc thu hoạch trái cây, người ta lại lo lắng nhiều bề. Thương lái ép giá làm cho bà con thua thiệt. Không chỉ ép giá, nhiều trường hợp còn bỏ lại cả tiền đặt cọc không chịu thu mua nông sản đã làm cho người nông dân khốn đốn. Chủ trương liên kết "4 nhà”, cánh đồng mẫu lớn đã triển khai nhưng hiệu quả không cao, khiến người nông dân không chỉ phụ thuộc vào thời tiết, mà còn phụ thuộc cả vào việc bán nông sản. Những ngày vừa qua, hàng trăm xe tải chở dưa hấu không xuất được sang biên giới tại cửa khẩu Tân Thanh lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc thu mua nông sản. Điều đó nếu vẫn tiếp diễn sẽ đem lại sự căng thẳng và hậu quả cuối cùng vẫn là sự thua thiệt của người nông dân. Tất cả những điều đó cho thấy việc tác động mạnh để tạo ra sự đổi thay căn bản của nông thôn, nông nghiệp và cuộc sống của người nông dân đã đến lúc phải được đặt ra. Trong đó, việc xây dựng những hợp tác xã kiểu mới là bước đi hết sức quan trọng, là đòn bẩy cho sự phát triển. Đất nước đã trải qua những năm dài tổ chức, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng do nhiều nguyên nhân, hợp tác xã mai một dần, nhiều nơi chỉ tồn tại một cách hình thức hoặc biến tướng. Người nông dân không còn trông chờ được vào những hợp tác xã như vậy. Họ mong có một loại hình hợp tác xã mới, nơi mà họ được giúp đỡ, đời sống của họ được nâng lên. Những hợp tác xã ấy sẽ thu hút được lực lượng lao động trẻ có học vấn, tiếp thu được kĩ thuật để nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng, từ đó đem lại lợi nhuận cho người nông dân. Hợp tác xã kiểu mới được xây dựng sẽ lấy lại niềm tin cho người nông dân, khi họ thấy được những ích lợi cụ thể. Đó là việc thu nhập cao hơn, là việc sản phẩm của họ làm ra không sợ bị tư thương ép giá, là việc đem lại đời sống tinh thần ấm áp cùng thuận hòa trong thôn xóm. Cả nước hiện có 10.339 hợp tác xã nông nghiệp, với tổng số thành viên tham gia khoảng 6,7 triệu người. Đó là con số khá lớn. Trên cơ sở những hợp tác xã ấy, việc tái cấu trúc, đổi mới thực sự phải được nhận thức một cách sâu sắc và có quyết tâm đổi mới mạnh mẽ. Ở đây, cần một sự đột phá. Nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thì với hợp tác xã kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn mới về chất, có tính đột phá, vì nó khắc phục được những yếu kém, cản trở kéo dài trong nhiều năm qua. Trong hợp tác xã kiểu mới, người nông dân vẫn là người chủ với đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả từ hợp tác xã, liên kết mạnh mẽ với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế về thương mại. Nền kinh tế đất nước đã bước vào giai đoạn hội nhập sâu với thế giới. Kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu hiệu quả sẽ không tạo ra sức cạnh tranh, không xây dựng được thương hiệu. Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, trong đó có thể kể đến việc xuất khẩu gạo, cao su, hồ tiêu, một số loại thủy, hải sản. Đó là thành tích không thể phủ nhận, Tuy nhiên, như thế chưa đủ nếu vẫn duy trì cung cách sản xuất, kinh doanh cũ. Khi sự liên kết được hình thành, hàng ngàn xe tải chở dưa hấu sẽ không sợ bị ách tắc; cà chua, su hào và cả sữa bò không sợ phải đổ đi do không có người mua. Và con cá tra, cá basa cũng không còn gặp những cuộc chiến pháp lý đáng tiếc. Người nông dân sẽ không còn gặp cảnh treo ao, treo chuồng mà sẽ tích cực sản xuất, chăn nuôi. Đây là thời điểm chờ đợi sự chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn, nông nghiệp và cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Sự hy vọng là có cơ sở khi những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ra đời và phát triển rộng khắp. Giấc mơ của người nông dân Việt Nam rồi sẽ trở thành hiện thực. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã