Trút được nỗi lo con giống
Nằm giữa cánh đồng, tách biệt hẳn với khu dân cư là một trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc đang được quản lý một cách khoa học. Khu chuồng trại được xây dựng cạnh hồ nước rộng 4ha, không khí trong lành, yên tĩnh. Ông Tùng, chủ nhân trang trại rộng hơn 20ha cho hay, từ năm 2012, gia đình ông đứng ra đấu thầu 20ha đất bãi, đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thịt kết hợp đào ao, thả cá và trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế.
Ông chia sẻ: “Trong năm đầu chăn nuôi, để mua được con giống tốt cũng vất vả trăm đường. Tôi phải lặn lội vào miền Nam chọn lựa. Trên đường vận chuyển tiềm ẩn nhiều rủi ro, chất lượng con giống không đảm bảo. Qua tìm hiểu một số trang trại ở Thái Bình, tôi được biết họ chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp có hiệu quả mà rất nhàn. Vậy là tôi mạnh dạn liên hệ với Công ty CP đặt vấn đề liên kết chăn nuôi lợn”.
Trang trại ông Phạm Văn Tùng ngày càng ăn nên làm ra nhờ liên kết cùng doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Vũ
Trước khi kí hợp đồng liên kết, phía công ty đến tận chuồng trại kiểm tra các chỉ tiêu, thử nước. Theo thỏa thuận, công ty cung ứng con giống chất lượng nhất, thức ăn, thuốc tiêm phòng và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Gia đình ông đầu tư chuồng trại có hệ thống lọc khí, làm mát, thuê nhân công chăm sóc và được hưởng 3.700 đồng/kg lợn hơi khi xuất chuồng.
Ông Tùng cũng cho biết: “Trước đây tôi nghĩ chăn nuôi đơn giản là tự mình làm, tự sản xuất rồi bán cho thương lái. Mua một con giống khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng, tiền thức ăn trung bình hết 3,5 triệu, nếu không có vốn, tôi phải đi mua chịu tại các đại lý cám với giá cao hơn 10% giá của nhà máy, nên lãi lời chẳng được bao nhiêu. Để chăn nuôi lâu dài, đảm bảo giá cả thì liên kết với doanh nghiệp là hướng đi đúng. Đặc biệt, không phải lo bị ép giá bởi lợn cứ đạt trọng lượng quy định là công ty có xe đến tận nơi thu mua”.
Giảm rủi ro dịch bệnh
Ông Tùng cũng cho biết thêm: “Cả xã chỉ có một bác sĩ thú y, nếu đợi họ tới được thì có khi hỏng cả đàn lợn. Bởi thế, năm đầu chăn nuôi, ít kinh nghiệm, khi lợn mắc bệnh đường tiêu hóa tôi phát hiện chậm nên đàn lợn bị thiệt hại 19 con”.
Khi liên kết với doanh nghiệp đã giúp ông không phải lo lắng về dịch bệnh nữa. Hàng ngày, chỉ cần thấy những dấu hiệu bất thường từ đàn lợn là liên hệ với công ty, sẽ có kỹ thuật thú y về tận nơi khám, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị. Nhờ mô hình nuôi lợn khép kín, có hệ thống biogas để phát điện nên chuồng trại luôn thoáng mát, không có mùi hôi, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ đó, ông chăn nuôi rất thuận lợi, trang trại cũng chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh.
Trung bình mỗi năm, ông Tùng xuất chuồng 2 lứa lợn với 250 tấn, sản lượng cá trên 70 tấn, doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động có thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Đàn lợn xuất chuồng theo tiêu chuẩn đúng tỷ lệ nạc, trọng lượng từ 90-105 kg/con.
Ông Tùng chia sẻ rằng, cái lợi lớn nhất khi hợp tác với doanh nghiệp là người nông dân có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi hiện đại, từ đó yên tâm sản xuất.
Theo: Hồng Vũ/Trang Trại Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã