1. Nguồn gốc: Giống táo Đào vàng do GS.TS Vũ Tuyên Hoàng và cộng sự Viện Cây lương thực - cây thực phẩm chọn tạo, được công nhận là giống quốc gia từ năm 1998. Giống táo Đào vàng có tính di truyền ổn định cao, chất lượng sản phẩm tốt, nên vẫn được nhiều nhà nông đưa vào cơ cấu thâm canh.
Táo Đào vàng chín sớm nên được giá |
2. Đặc điểm chính của giống: Táo Đào vàng là giống chín sớm (thu hoạch tập trung trong tháng 12). Cây sinh trưởng và phát triển khoẻ. Năng suất trung bình đạt: 7 - 8 tấn quả/ha (cây 1 tuổi), 10 - 12 tấn/ha (cây tuổi 2), từ năm thứ ba đạt 20 - 25 tấn quả/ha, thâm canh tốt sẽ cho năng suất cao hơn. Dạng quả thon dài. Khi chín vỏ quả có màu vàng cam sáng hấp dẫn, ăn giòn, ngọt, thơm. Trọng lượng trung bình 20 - 25 quả/kg, hợp thị hiếu người tiêu dùng.
3. Kỹ thuật thâm canh: Táo Đào vàng là loại cây dễ tính, không yêu cầu khắt khe về điều kiện đất đai so với các cây trồng khác. Nhưng tốt nhất nên trồng táo trên các chân ruộng đất phù sa giàu mùn và chủ động tưới, tiêu.
Thời vụ: Ở miền Bắc trồng từ tháng 11 - 4. Các tỉnh phía Nam trồng từ tháng 5 - 8 (trong mùa mưa).
Mật độ trồng 600 - 700 cây/ha. Khoảng cách 5 x 4m/cây. Để có sản lượng quả cao ngay trong năm đầu, có thể trồng tăng mật độ lên 800 - 1.000 cây/ha (5 x 2,5m/cây), từ năm thứ 3 triệt bỏ các cây ở hàng giữa để đảm bảo mật độ đúng quy trình kỹ thuật.
Cách trồng: Đào hố rộng 60 - 70cm, sâu 60 - 70cm. Bón lót/1 hố 30 - 50kg phân hữu cơ vi sinh + 1,5-2kg lân super. Đảo đều phân bón với đất bột lót xuống hố trước khi trồng táo 5 - 7 ngày. Nếu nền đất khô, tưới 15 - 20 lít nước xuống hố trước khi bón lót phân.
Chăm sóc: Táo tuổi 1, tuổi 2, mỗi năm bón 300 - 400kg đạm urê + 200 - 300kg kaliclorua + 300kg lân supe (hoặc lân hữu cơ vi sinh). Từ năm thứ 3 trở đi bón 450 - 500kg urê + 300-350kg kaliclorua + 500 kg lân supe (hoặc lân hữu cơ vi sinh). Lần 1 (bón sau trồng một tháng hoặc ngay sau khi đốn táo), xới đất xung quanh gốc và bón 30 - 50 kg phân lân/lân hữu cơ vi sinh + 1/3 lượng đạm, kali. Lần 2 (trước khi cây ra hoa rộ), bón 1/3 lượng đạm, kali. Lần 3 (khi cây vừa đẫy quả hoặc sau bón thúc lần 2 từ 75 - 85 ngày), bón nốt số phân còn lại. Nếu đất khô hạn phải tưới nước để cây sinh trưởng và phát triển tốt, thúc đẩy quả lớn nhanh, tránh bị héo rụng.
Làm nhà màng ngăn côn trùng cho vườn táo |
Sâu bệnh và thuốc phòng trừ: Bọ xít xanh, rệp dính, sâu cuốn lá, sâu gặm vỏ, đục quả: dùng Sherpa 0,1 - 0,15%. Bệnh phấn trắng: sử dụng Byleston 0,1 - 0,15% hoặc Anvil 0,1%. Bệnh sương mai: dùng Boocđô 1%, Zineb 80WP. Sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao gói.
Đốn táo: Táo tuổi 1, cắt cành ghép chính, để chừa lại 20 - 25cm cành ghép, kết hợp với tạo tán. Táo tuổi 2, đốn thấp 40 cm cành ghép, để lại 3 thân chính ở thế chân kiềng. Từ tuổi 3 trở đi đốn đuổi cách vết đốn cũ năm trước 15 - 20cm.
Thu hoạch khi quả to đẫy, vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng sáng.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng: Tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây táo trong mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn tại các tỉnh phía Bắc. Trên đất vườn, đất trang trại có độ dốc thấp, tầng canh tác dày, dinh dưỡng cao, chủ động tưới tiêu nước.
5. Những điển hình đã áp dụng thành công: Các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Gia Lộc, Cẩm Giàng (Hải Dương). Đông Hưng, Hưng Hà (Thái Bình). Phúc Thọ, Thạch Thất (Hà Nội). Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Nga Sơn, Hoàng Hóa (Thanh Hóa). Nghĩa Hưng (Nam Định)…
Theo: Phương Nguyễn/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã