Học tập đạo đức HCM

Gỡ rào cản chính sách để phát triển hợp tác xã (Kỳ 1)

Chủ nhật - 22/10/2017 10:44
Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 được ví như một luồng gió mới làm khơi dậy kinh tế hợp tác, trong đó nòng cốt là các HTX. Sau gần 5 năm triển khai, Luật HTX năm 2012 đã thể hiện tính ưu việt khi “nắn” các HTX đi vào hoạt động đúng bản chất, phát huy hiệu quả và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cùng với đó, cũng bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc, đòi hỏi phải có những điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời.

Bài 1: Luồng gió hợp tác xã kiểu mới

Thực chất, HTX kiểu mới là những HTX đã và đang hoạt động theo đúng các quy định thể hiện trong Luật HTX năm 2012. Gọi tên như vậy để dễ phân biệt với những HTX kiểu cũ từng biết đến như “HTX toàn xã” hay “HTX ghi danh”, vốn chỉ là nơi xã viên đến “đánh trống, ghi tên”. Từ nhận thức “cha chung không ai khóc”, giờ đây khi tham gia HTX kiểu mới, mỗi thành viên đã nhìn nhận rõ hơn sự ràng buộc về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình.

Những người “thổi hồn” cho HTX

Nhắc đến sự thay đổi, ấn tượng đầu tiên có thể thấy là ở những người đứng đầu và các thành viên HTX. Sự thay đổi không chỉ đơn thuần ở chức danh, không còn “chủ nhiệm HTX” như trước, nay chuyển thành “chủ tịch HĐQT” hay “giám đốc/tổng giám đốc HTX”, mà cơ bản nằm trong cách quản trị, điều hành của những người đứng đầu được các thành viên HTX lựa chọn, tiến hành hội nghị và bầu ra. Một HTX phát triển, không thể không dựa trên năng lực thật sự của chính những người đứng đầu và các thành viên HTX.

Làng nghề truyền thống đóng tàu Trung Kiên ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) khá nổi tiếng với quá trình phát triển hơn 700 năm. Một trong số hiếm hoi những người đang “giữ lửa” cho làng nghề là ông Nguyễn Gia In, đang dẫn dắt HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên với vai trò Giám đốc. Ông In cho biết, 700 năm nay, làng Trung Kiên chỉ làm một nghề duy nhất là đóng tàu thuyền. Năm 1958, làng nghề thành lập HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên, đến năm 1964 phát triển thành Xí nghiệp đóng tàu thuyền. Làng nghề đã được Đảng, Nhà nước tặng rất nhiều phần thưởng cao quý và Chủ nhiệm HTX thời đó là ông Nguyễn Thân Mến cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đến năm 1988, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, Xí nghiệp đóng tàu thuyền Trung Kiên tan rã, nhường chỗ cho hơn 30 doanh nghiệp (DN) và các tổ hợp sản xuất nhỏ ra đời, cạnh tranh nhau quyết liệt, gây ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm sút uy tín, thương hiệu của làng nghề. Trước tình hình này, được sự giúp đỡ trực tiếp từ Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, năm 2003, các DN, tổ hợp tác đã tập hợp lại, lập nên HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên. “Theo cơ chế ban đầu, HTX hoạt động chủ yếu trong vai trò “bà đỡ”, làm đầu mối đứng ra lo thủ tục cho các DN, thành viên.

Về sau, hoạt động của HTX liên tục mở rộng và những năm 2008 - 2009, khi HTX tiến hành Đại hội, những chương trình, kế hoạch mà Ban điều hành đề ra, về sau này đối chiếu lại đều “trúng phóc” như điều lệ quy định tại Luật HTX năm 2012. Thay vì chỉ làm đầu mối giấy tờ thủ tục, nay HTX đứng ra trợ giúp vay vốn, bao tiêu sản phẩm, mua vật tư cho thành viên và chủ động tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường. Vì vậy, sau khi chuyển đổi chính thức theo luật vào năm 2015 đến nay, HTX vẫn tiếp tục hoạt động theo định hướng đã được Đại hội đề ra” - ông Nguyễn Gia In chia sẻ.

Với tầm nhìn xa của Ban điều hành, nhất là người đứng đầu, HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên đã đạt được những thành tựu nhất định trong quá trình hoạt động. Mỗi năm, HTX duy trì năng lực đóng từ 50 đến 100 tàu các loại, cung cấp cho các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Thu nhập của thành viên và người lao động tăng đều theo từng năm. Đến nay, HTX có 20 cơ sở đóng tàu và 20 cơ sở mộc, tạo việc làm cho hơn 500 lao động; thu nhập của thợ lành nghề đạt gần 400 nghìn đồng/ngày và của thợ học việc ít nhất là 150 nghìn đồng/ngày; doanh thu năm 2016 đạt khoảng 100 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, HTX đã đóng 44 con tàu, doanh thu cả năm ước tính 150 tỷ đồng.

Gắn sản xuất với gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm

Cùng với sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của người đứng đầu HTX và từng thành viên, con đường phát triển HTX trong giai đoạn mới cũng dần được “vẽ” lại. Hoạt động của mỗi đơn vị đang dần có những bước thay đổi căn bản và chất lượng từng bước được nâng cao. Nhiều HTX đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nhất là tìm ra được phương thức hoạt động mới theo hướng gắn sản xuất với gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm.

HTX dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (huyện Văn Yên, Yên Bái) là một điển hình trong việc đổi mới, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Thành lập năm 2008 và hoàn thành chuyển đổi vào năm 2015, HTX đã mạnh dạn huy động vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ. Từ vốn góp ban đầu một tỷ đồng, hiện nay vốn điều lệ của HTX đã tăng lên sáu tỷ đồng; vốn hoạt động tăng từ 1,5 tỷ đồng (năm 2008) lên bảy tỷ đồng.

Không chỉ ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với hàng nghìn hộ dân ở hai xã Viễn Sơn và Hoàng Thắng (huyện Văn Yên); HTX còn cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho hơn 300 gia đình, bao gồm khoảng 300 tấn sắn củ, 1.000 tấn vỏ quế, 2.000 tấn lá quế hằng năm. Đồng thời, HTX chủ động liên doanh, liên kết với Công ty An Thịnh Cường Phát (Văn Yên), Công ty cổ phần năng lượng xanh Thăng Long (Hà Nội) để đầu tư và phát triển thương mại sản phẩm tinh dầu quế, cung cấp nhiên liệu đốt lò từ bã quế phục vụ sản xuất của DN với số lượng 1.000 tấn/tháng,…

“Luật HTX năm 2012 đã thổi một luồng gió tươi mới cho Công Tâm. Sau khi hoạt động theo Luật, Công Tâm đã dần thay đổi, doanh thu hằng năm từng bước nâng cao, bình quân khoảng hai đến ba tỷ đồng/năm. Từ năm 2015 đến nay, HTX đã đạt doanh thu sáu đến bảy tỷ đồng, lợi nhuận hằng năm gần 400 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho hơn 40 thành viên và người lao động với mức thu nhập trung bình từ 3,8 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/người/tháng” - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Trần Văn Kiên chia sẻ.

Cũng được biết đến như một “cánh chim đầu đàn” trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác, HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Văn Chấn, Yên Bái) đang khá thành công trong mô hình HTX kiểu mới, tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khi mới thành lập năm 2004, HTX chỉ có 12 xã viên, vốn điều lệ vỏn vẹn 800 triệu đồng. Từ khi chuyển đổi theo Luật vào tháng 2-2015, đến nay HTX đã thu hút 60 thành viên tham gia và gần 100 lao động, vốn điều lệ lên tới 3,9 tỷ đồng. Vận dụng những quy định trong Luật, HTX đã phát triển dần đúng với bản chất của một loại hình HTX kiểu mới. Kiến Thuận đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất chè theo chuỗi, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên HTX và các hộ dân trên địa bàn; sau đó ký với Hãng Unilever Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm chè đi thị trường thế giới (Nga, Mỹ,…).

Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng với 89 nông hộ (54 thành viên và 35 hộ liên kết) khai thác hơn 220 ha vùng nguyên liệu. Kiến Thuận cũng không ngừng đầu tư hiện đại hóa nhà xưởng, thiết bị. Cách đây vài năm, được sự tư vấn của Trung tâm tư vấn hỗ trợ thành viên (thuộc Liên minh HTX tỉnh Yên Bái), Kiến Thuận đã mạnh dạn đầu tư khoảng ba tỷ đồng mua dây chuyền tách cẫng (cuộng) chè kỹ thuật số của Hàn Quốc, công suất 750 kg/giờ. Đến năm 2016, HTX lại tiếp tục đầu tư hơn ba tỷ đồng lắp đặt máy tách màu ISORT 4GT Hàn Quốc, công suất 500 đến 700 kg thành phẩm/giờ.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Đỗ Văn Lừng phấn khởi cho biết: Nhờ chuyển đổi hoạt động, hướng đầu tư theo chuỗi liên kết, kết hợp mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, sản phẩm chè của HTX đã được các bạn hàng khó tính nhất chấp nhận. Doanh thu và thu nhập của HTX, các thành viên và người lao động nhờ đó tăng lên rõ rệt. Năm 2016, doanh thu của HTX đạt hơn 21 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 420 triệu đồng, thu nhập của thành viên và người lao động ổn định khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, nhìn từ những người lãnh đạo HTX, những mô hình hoạt động của một số HTX, có thể thấy phần nào sự thay đổi tích cực trong thực hiện theo quy định của Luật HTX năm 2012 so với những quy định của luật trước đó. Ở mô hình HTX kiểu cũ, các chủ nhiệm HTX phần lớn thụ động, thành viên hầu hết đều làm theo kiểu “cha chung không ai khóc” khiến kinh tế cá thể, kinh tế hộ bị triệt tiêu.

Với mô hình HTX kiểu mới, kinh tế hộ vẫn tồn tại và phát triển, hộ kinh tế cá thể có nhu cầu hợp tác với nhau để cùng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống, qua đó tạo giá trị tăng thêm cho từng hộ. Tuy nhiên, những mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả mới chiếm một số lượng nhỏ. Điều này đồng nghĩa, phần lớn HTX vẫn gặp rất nhiều khó khăn, và một trong những nguyên nhân quan trọng lại đến từ chính những bất cập của chính sách, những quy định được ghi rõ trong Luật và các văn bản hướng dẫn.

Gỡ rào cản chính sách để phát triển hợp tác xã (Kỳ 2)

Theo báo Nhân dân

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập348
  • Hôm nay82,200
  • Tháng hiện tại787,313
  • Tổng lượt truy cập90,850,706
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây