Vai trò quan trọng nguồn vốn tín dụng
Để phát triển và tạo các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng là một trong những yếu tố có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực có tính chất mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như ngành nông nghiệp. Khi dòng vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời sẽ góp phần gia tăng đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật cũng như hệ thống phân phối, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, qua đó nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được ngân hàng tư vấn, sử dụng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại như bao thanh toán, tài trợ chuỗi cung ứng, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai hàng hóa… sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh, qua đó phát triển ngày càng lớn mạnh và bền vững.
Trong những năm qua, VietinBank luôn chủ động, tích cực đáp ứng vốn phát triển nông nghiệp với mức tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 14%/năm. Theo số liệu đến ngày 30-6-2015, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của VietinBank đạt 95.000 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm đạt 100.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ cho vay. VietinBank đã tích cực tham gia cho vay theo các chương trình, các định hướng cấp tín dụng của Chính phủ, NHNN và thiết kế rất nhiều sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời VietinBank đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp tiên phong trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, như Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn Hùng Cá, Công ty TNHH Hiệp Thanh, Công ty Ngô Bros… Cùng với nguồn vốn tín dụng của VietinBank, hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi với công nghệ hiện đại đã được xây dựng, đem lại nhiều việc làm cho lao động địa phương cũng như phát triển thêm nhiều vùng nguyên liệu nông sản, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh các giải pháp nguồn vốn, VietinBank đã tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Đông Á… và thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. VietinBank cũng từng bước đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại như thanh toán qua thẻ, thu thuế điện tử, SMS Banking, hợp đồng tương lai hàng hóa… tới các doanh nghiệp nông nghiệp, xử lý nghiệp vụ thanh toán nhanh chóng, chính xác. Ngoài ra, VietinBank đã hỗ trợ khách hàng các kỹ năng về quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính… cũng như tư vấn những ý tưởng toàn diện hơn trong xây dựng, phát triển các dự án/phương án sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ mới
Trong tiến trình hội nhập, các hỗ trợ từ Chính phủ khó thực hiện trực tiếp cho doanh nghiệp, nhưng hỗ trợ gián tiếp thông qua hiệp hội lại phù hợp với các quy định của WTO. Vì thế, cần nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội, để không chỉ là đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp về quan hệ lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội. |
Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần có thêm các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao nhằm từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khó tính. Bên cạnh đó cần có cơ chế khuyến khích phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; sớm quy hoạch và xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, đảm bảo tính kết nối giữa các khu vực kinh tế nhằm tạo vành đai kinh tế có tính liên kết, hỗ trợ.
Để phát triển ngành nông nghiệp nước ta theo hướng bền vững, các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp ưu tiên nguồn vốn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; dành nguồn vốn tài trợ ủy thác nước ngoài, ODA ủy thác qua NHTM nói chung và VietinBank nói riêng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ nguồn vốn dài hạn với giá hợp lý để các ngân hàng hòa chung với nguồn vốn huy động phục vụ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với thời hạn tương đối dài, lãi suất phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện có kết quả, mang lại nhiều thành tựu cho đất nước, bên cạnh sự cố gắng nội tại của khu vực nông nghiệp, nông thôn, sự nỗ lực, hỗ trợ của các NHTM rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành các cấp. VietinBank cam kết nỗ lực hết mình, tiếp tục đồng hành, chung sức cùng doanh nghiệp và hộ nông dân hướng tới phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng hàng cùng nông dân, nông nghiệp
VietinBank cam kết luôn sẵn sàng nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua dây chuyền thiết bị cũng như phát triển các vùng nguyên liệu cho nông nghiệp. VietinBank sẽ tiếp tục thực hiện vai trò trung gian chu chuyển vốn, cung cấp tín dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, không phân biệt thành phần kinh tế, đưa nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới các vùng miền, xuống tới từng thôn xã. Đối tượng cho vay của VietinBank trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng, bao gồm từ cá nhân hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã tới doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hoặc cung ứng dịch vụ cho sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với công nghệ |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuỗi cung ứng giữa nhà phân phối và nhà cung cấp, VietinBank đã trở thành cầu nối cho các doanh nghiệp nói chung và trong ngành nông nghiệp nói riêng. Trong năm 2014, VietinBank tài trợ tổ chức “Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm” tại TPHCM và “Hội nghị Kết nối nhà phân phối và nhà cung cấp”…, đã cho thấy VietinBank đang trực tiếp cũng như gián tiếp tham gia, hỗ trợ có hiệu quả để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.