Cụ thể, trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 20/6/2015, toàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc thu hoạch lúa vụ xuân 2015 với năng suất ước đạt 60 tạ/ha, sản lượng hơn 604.000 tấn. Đồng thời, thành phố cũng đang triển khai sản xuất vụ mùa 2015 với tổng diện tích gieo trồng phấn đấu đạt 116.000ha.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả của huyện Thanh Trì.
Về chăn nuôi, số lượng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội tính đến hết tháng 6/2015 ước đạt 23,5 nghìn con trâu, tăng 100% so với cùng kỳ 2014; hơn 139.000 con bò, tăng 105%; đàn gia cầm 23,4 triệu con, tăng 105%.
Về thủy sản, tính đến hết tháng 6/2015, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản là hơn 21.000ha; sản lượng ước đạt 60.000 tấn, đạt 60% kế hoạch năm.
Trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tính đến hết tháng 6/2015, đã có 121/401 xã (chiếm 30,17%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, đến nay, có 17/386 xã tự chấm điểm đạt 19/19 tiêu chí; 141 xã đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí… Như vậy, trung bình toàn thành phố đã đạt 17,12 tiêu chí/xã, tăng 1,86 tiêu chí/xã so với cuối năm 2014 (đạt 15,26 tiêu chí).
Năm 2015, các huyện, thị xã đăng ký với tổng số 100 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến cuối năm, Hà Nội có thêm ít nhất 70 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn là 191/401 xã (chiếm 47,6%), vượt kế hoạch đề ra đến năm 2015 là 4,6%. Đồng thời, thành phố cũng phấn đấu có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015.
Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn toàn thành phố đến cuối năm 2014 đạt 28,6 triệu đồng/người. Trong đó, các địa phương có mức thu nhập bình quân cao như Đông Anh (30 triệu đồng); Thanh Trì (29 triệu đồng)… Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Mỗi năm, thành phố giải quyết thêm việc làm cho từ 136.500 - 140.000 lượt lao động nông thôn. Tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được 2.500 lao động, đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt khoảng 53%. 100% trạm y tế có bác sỹ công tác tại trạm; 64,84% xã đạt chuẩn NTM về y tế…
Trong công tác dồn điền đổi thửa, tính đến nay, toàn thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 76.000ha, bằng 100% kế hoạch. Một số huyện, thị xã thực hiện dồn điền đổi thửa vượt kế hoạch UBND thành phố giao như: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Sơn Tây.
Đánh giá những thành quả đạt được, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02, đề nghị, trong thời gian tới, các sở, ngành và đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về XDNTM bằng nhiều hình thức, trong đó coi trọng ý kiến người dân để từ đó đưa ra những định hướng, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra tình hình thực tế ở các địa bàn trọng yếu; thực hiện các công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của trong sản xuất nông nghiệp khi xảy ra mưa bão.
Thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu XDNTM. Ngoài ra, cần tập trung huy động nguồn lực XDNTM và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với nông dân để đạt mục tiêu đến hết năm 2015, Hà Nội có thêm ít nhất 70 xã đạt chuẩn NTM.
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã