Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, hiện nay cả nước có 8.539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ cả nước. Mặc dù được coi là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của cả nước, song việc quy hoạch và phát triển chợ đầu mối nói chung và các chợ truyền thống nói riêng còn nhiều bất cập. Trong đó nổi lên là vấn đề truy xuất nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa.
Chợ đầu mối chưa liên kết mạnh với chợ dân sinh, siêu thị |
Vai trò “đầu mối” chưa hiệu quả
Giai đoạn 2010 – 2017, tốc độ phát triển chợ đầu mối bình quân đạt 4,5%/năm. Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa (11 chợ), Quảng Bình (11 chợ), Hà Nội (6 chợ), Đồng Tháp (3 chợ), TP. Hồ Chí Minh (3 chợ)… chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá, một số chợ đầu mối có quy mô tăng khá nhanh, được xây dựng bài bản, hiện đại. Tuy nhiên, nhìn chung sự phát triển của chợ đầu mối vẫn chậm, cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu. Các tỉnh và thành phố hiện nay đều đã quan tâm tới tính liên kết phát triển hàng hóa giữa các địa phương trong việc lưu thông hàng hóa giữa các chợ nông thôn và chợ đầu mối.
Tuy nhiên, trên thực tế việc gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ và thu hút các dự án đầu tư vào phát triển các loại hình chợ nông thôn và chợ đầu mối còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hiện nhiều chợ đầu mối vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống, hình thức mua bán qua hợp đồng chưa phổ biến. Các dịch vụ hỗ trợ như ngân hàng, bảo hiểm, giám định, kiểm tra chất lượng hàng hóa, dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ.
Một vấn đề khác là kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị còn hạn chế. Hiện nay phần lớn hàng hóa tại siêu thị chủ yếu được mua trực tiếp từ các nhà sản xuất có thương hiệu. Trong khi đó các loại hàng hóa là rau củ, quả phần lớn được người dân từ các tỉnh chở trực tiếp đến bán tại các chợ, vì vậy rất hạn chế đối với công tác khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm.
Phân tích về hạn chế của mô hình chợ đầu mối, các chuyên gia đặc biệt lưu ý về vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Đào Hà Chung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc quản lý chợ đầu mối hiện nay hết sức khó khăn, nhất là quản lý an toàn thực phẩm hàng hóa hay chứng từ xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm. Các chợ chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.
Gỡ nút thắt từ truy xuất nguồn gốc
Hiến kế cho việc phát triển hệ thống chợ đầu mối, các chuyên gia khuyến nghị yêu cầu cấp thiết là bảo đảm an toàn thực phẩm và minh bạch truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đây là bài học được rút ra từ câu chuyện thành công trên thực tế của chợ đầu mối Bình Điền, Hooc Môn, một trong những chợ đầu mối được đầu tư xây dựng hiện đại bậc nhất cả nước.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền là một trong số ít chợ thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt lợn. Đại diện Ban quản lý chợ cho biết, đến nay chợ đã đảm bảo trên 90% tiêu chí đối với ngành thịt lợn. Trung bình mỗi ngày, chợ nhập từ 5.500 – 5.800 con lợn. Sản phẩm thịt lợn tươi khi nhập chợ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, có vòng niêm phong, vòng thông tin truy xuất nguồn gốc và cấp mã code QR. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc thịt lợn ngay tại chợ.
Ông Bùi Bá Chính, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là hai yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của chợ đầu mối. Ông phân tích lợi ích kép, đối với DN đăng ký mã số mã vạch giúp người sản xuất và người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; đồng thời việc gắn mã số mã vạch là yêu cầu của nhiều quốc gia nhập khẩu, sẽ giúp hàng hóa tại các chợ đầu mối có khả năng xuất khẩu tốt hơn.
Ngoài ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo góc nhìn của ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nhà quản lý phải thay đổi tư duy về chợ đầu mối. Ông lưu ý, chợ đầu mối phải là chợ của các nhà sản xuất lớn, chứ không phải của thương lái chuyên nghiệp rẻ thì mua, đắt thì bỏ và ép giá nông dân.
Nhắc lại thất bại trong xây dựng 15 chợ đầu mối hơn 10 năm trước, khi ngân sách tốn cả nghìn tỷ xây dựng song tới nay "không còn dấu vết", nguyên Vụ trưởng Thị trường trong nước lưu ý, các khu chợ này phải được quy hoạch lại theo hướng đặt gần nơi sản xuất, thị trường tiêu thụ, phát triển đồng bộ hệ sinh thái hỗ trợ, hệ thống logistic chuyên nghiệp... "Chợ đặt chơ vơ, mỗi chủ hàng là người tự cung tự cấp dịch vụ, không có sự kết nối thì sẽ thất bại", ông Xuân nói.
Tính liên kết yếu trong các chợ đầu mối cũng là hạn chế được Bộ Công thương thẳng thắn thừa nhận. Theo cơ quan này 83 chợ đầu mối cả nước chủ yếu là nơi tập trung nông sản tổng hợp. Hạn chế của chợ đầu mối là đa số vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa...
Vì vậy về mặt quản lý Nhà nước, theo cơ quan này cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đường bộ kết nối chợ đầu mối với vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ.
Đức Ngọc/thoibaonganhang.vn