Qua đó, nhiều sai phạm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa xứng tầm với nhiệm vụ, một phần do thiếu hành lang pháp lý.
Thẳng thắn, trách nhiệm
Hội nghị PBXH lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về "Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2021 của thành phố”; dự thảo Nghị quyết về “Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP Hà Nội” diễn ra trước kỳ họp thứ hai HĐND TP Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo trí thức, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành… Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.
Góp ý kiến về mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội 5 năm tới mà thành phố đặt ra ở mức 8,5-9%, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Chí Mỳ cho là quá thấp, chưa xứng tầm với Thủ đô vì 5 năm trước dù chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn đạt tăng trưởng 9,23%. Về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, TS Đinh Hạnh cho rằng, có quá nhiều cụm từ chung chung, chưa rõ cách làm, chưa đề ra được biện pháp tối ưu, do đó cần bổ sung và quy định rõ trách nhiệm.
Còn với dự thảo Tờ trình quy định mức thu học phí, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Thất Lê Vĩnh Thịnh cho rằng, thời gian qua Nhà nước và thành phố đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt, song nhiều trường vẫn lạm thu dưới hình thức vận động phụ huynh tự nguyện. Điều này cho thấy việc thu học phí không quyết định chất lượng giáo dục, cần có giải pháp về công tác quản lý…
Cần sớm có hành lang pháp lý
Thực tế, Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, công tác giám sát và PBXH được Ủy ban MTTQ từ thành phố đến cơ sở triển khai, đi vào nền nếp. MTTQ các cấp đã tập trung giám sát, PBXH vào các dự thảo kế hoạch Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các chính sách an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện chính sách đối với người có công, xây dựng nông thôn mới, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân… Ngoài phối hợp cùng các cơ quan chức năng, MTTQ giám sát độc lập thông qua hệ thống “chân rết” ở cơ sở là các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ứng Hòa Chu Văn Trường cho biết, để công tác giám sát PBXH được tổ chức hiệu quả, MTTQ huyện và các xã, thị trấn thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đặc biệt các vấn đề dân sinh, bức xúc. Qua đó, thực hiện PBXH các chương trình, đề án có liên quan trực tiếp đến nhân dân ở địa phương. Công tác PBXH không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết sách trước khi ban hành mà còn tăng cường sự đối thoại, đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, công tác này hiện còn một số “rào cản” về cơ chế nên nhiều việc MTTQ chưa được tham gia giám sát hoặc ý kiến sau giám sát, PBXH chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng chậm, thậm chí không có hồi âm, không được giải quyết.
Theo GS.TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, MTTQ Việt Nam được Hiến pháp 2013 xác định “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” và hiến định đầy đủ vai trò giám sát, PBXH. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quyết định 217 nhưng đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, cần sớm có hành lang pháp lý cụ thể để bảo đảm cho quá trình thực hiện giám sát và phản biện đạt hiệu quả. Nếu không, giám sát PBXH vẫn chỉ dừng lại ở việc “tập hợp” và “kính chuyển”.
GS.TS Phạm Xuân Hằng nêu, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ, Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện pháp luật để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện vai trò giám sát và PBXH. Tuy vậy, ngoài Luật MTTQ Việt Nam (2015), hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật dưới luật nào quy định cụ thể về nội dung, nguyên tắc, hình thức, chế tài, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động giám sát và PBXH. Đây cũng là một khó khăn làm giảm sức mạnh của hoạt động này trên thực tế cần sớm xem xét, khắc phục.
Linh Nhi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã