Nhu cầu về các sản phẩm nông sản tăng cao, nhất là tại các địa bàn lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Hiện đã có nhiều hộ dân, DN chủ động đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đồng thời có những chiến lược để kết nối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, số lượng DN này vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm sạch luôn được người tiêu dùng ưa chuộng |
Tại địa bàn Hà Nội, nhu cầu nông sản an toàn thời gian qua tăng cao nhưng nguồn cung vẫn còn hạn chế. Chị Trần Thu Trang (quận Cầu Giấy) cho biết, đã từ lâu gia đình chị chỉ ưa dùng các sản phẩm thực phẩm, rau củ quả an toàn tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch. Nhưng số lượng các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn vẫn còn rất ít và không có nhiều lựa chọn. Theo chị Trang, với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm an toàn thì rất mong các hộ dân, DN đầu tư sản xuất để đưa ra thị trường nhiều hơn.
Có thể thấy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội khi mà liên tiếp thời gian qua các cơ quan chức năng phát hiện các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn khiến cho các sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ được cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội chia sẻ, hiện nay vẫn còn không ít hộ nông dân, hợp tác xã chưa nhận thức được chỉ có sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… mới tồn tại bền vững, nên vẫn còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, chưa bảo đảm chữ tín với các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng tiêu thụ bấp bênh, không ổn định.
Trên thực tế, mặc dù nhiều hộ dân trồng các sản phẩm nông sản an toàn nhưng khâu tiêu thụ lại đang gặp khó khăn. Nguyên nhân được cho là sự kết nối giữa người sản xuất và DN tiêu thụ nông sản sạch còn gặp khó khăn.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết, để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối Fivimart, các sản phẩm rau, củ quả cần có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP/GlolbGAP, phiếu kiểm nghiệm sản phẩm, các giấy tờ liên quan như danh mục hàng hóa, báo giá… tuy nhiên do các hộ dân còn sản xuất manh mún chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa lớn, người dân chưa quan tâm đến các giấy tờ chứng nhận, truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên gặp khó khăn khi muốn đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng hiện đại.
Với tầm quan trọng của việc sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, thời gian qua bên cạnh việc tập trung các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ… Hà Nội còn tích cực tổ chức các chương trình kết nối nông sản thực phẩm để giúp người tiêu dùng thủ đô có được các sản phẩm chất lượng. Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành và phát triển được 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện. Diện tích trồng rau an toàn đạt hơn 5.000ha và 4.000 trang trại quy mô lớn…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quan trọng, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch.
Hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động xây dựng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các bộ, ngành xây dựng và ban hành. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, VietGHAP, hữu cơ…
Theo Sở NN&TPNT Hà Nội, kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai các đề án vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (như VietGAP, VietGAHP…) và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến (như ISO 22000, HACCP...).
Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và mở rộng chương trình sang một số đô thị lớn khác.
Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính. Tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp chất lượng cao, thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Công khai các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật về ATTP.
Minh Hiếu/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã