Theo PGS-TS Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ hè thu năm 2011 mô hình CĐML được triển khai ở khu vực Nam bộ với diện tích hơn 8.000ha, có khoảng 6.400 hộ tham gia. Kết quả mang lại khả quan khi giá thành sản xuất giảm, năng suất và chất lượng lúa tăng, giúp nông dân thu lợi nhuận cao hơn sản xuất bình thường. Vụ đông xuân 2011 - 2012, diện tích CĐML được nâng lên 19.724ha ở 12 tỉnh thành ĐBSCL và tỉnh Tây Ninh. Đến vụ hè thu năm 2012, tổng diện tích CĐML tiếp tục phát triển lên 32.110ha. Bộ NN-PTNT cho rằng, mô hình CĐML đã thỏa mãn các tiêu chí như: diện tích tiểu vùng phải bằng hoặc lớn hơn 300ha; nông dân nhiệt tình và tự nguyện tham gia; có hình thức kinh tế hợp tác; đáp ứng về kỹ thuật canh tác và xây dựng được hình thức liên kết, dựa trên nền tảng của liên kết bốn nhà. Trong đó, hình thức liên kết được xem là yếu tố quyết định. Lãnh đạo Sở NN-PTNT An Giang nhìn nhận, thời gian qua ở tỉnh này đã xuất hiện một số mô hình liên kết, trong đó nổi bật là chuỗi liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ lúa của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) rất thành công. Theo đó, doanh nghiệp này đã liên kết với các doanh nghiệp phân bón thực hiện quy trình khép kín từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ lúa cho nông dân. Người nông dân còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển lúa đến nhà máy, sấy và lưu kho miễn phí trong vòng 30 ngày, một số thương lái cũng đã chuyển sang hợp tác với công ty trong khâu thu mua lúa. Năm 2011, mô hình này được AGPPS thực hiện trên diện tích 3.400ha, nay đã phát triển lên trên 25.000ha. Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Lê Minh Đức cho biết, chương trình CĐML của tỉnh được tổ chức thực hiện dưới sự phối hợp của Sở NN-PTNT, AGPPS và Công ty Lương thực Long An. Trong 2 năm qua, Long An đã triển khai thực hiện 19 mô hình CĐML, diện tích 4.700ha, với 2.000 hộ tham gia. Điển hình là CĐML ở xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa. Công ty Lương thực Long An hợp tác với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng đầu vào như: giống lúa xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và tổ chức thu mua lúa cuối vụ cho nông dân dưới hợp đồng đầu tư trả trước không tính lãi. Hình thức liên kết giao nhận tại cánh đồng nơi triển khai thực hiện. Doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân tham gia chương trình với giá cao hơn thị trường từ 100 - 150 đồng/kg. PGS-TS Lê Quốc Doanh đánh giá, mô hình CĐML đem lại 10 lợi ích: Tăng thu nhập, tăng tính cộng đồng cho nông dân, đồng đều giữa các nông hộ, vật tư đầu vào được cung ứng tốt, áp dụng đồng bộ các gói tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường, sản xuất gắn với thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần hình thành tầng lớp nông dân mới.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo chưa vào cuộc một cách tích cực với mô hình CĐML. Nhiều doanh nghiệp vẫn muốn duy trì cách thức mua lúa gạo thông qua đội ngũ thương lái, hàng xáo nên không ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với nông dân khi tham gia CĐML. Điều này chẳng những nông dân chịu thiệt vì không có quyền quyết định giá, nguy cơ bị gian lận; khó cải thiện nâng chất lượng hạt gạo do lúa gom từ nhiều nguồn giống khác nhau, độ ẩm, độ chín khác nhau… mà còn không thể xây dựng được vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu, thương hiệu gạo xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường. Theo ông Lê Minh Đức, việc triển khai thực hiện CĐML gặp một số khó khăn như lực lượng kỹ thuật mỏng, kinh phí hỗ trợ hầu như không có. Hiện các CĐML ở ĐBSCL do AGPPS và một vài công ty lương thực lớn triển khai được xem là mô hình mẫu, hiệu quả trong liên kết bốn nhà nhờ khép kín từ đầu vào đến đầu ra; song thực tế vẫn khó nhân rộng. “Hầu hết các doanh nghiệp chưa tham gia do thiếu nhân lực, tài lực để thực hiện các phương thức trên. Có doanh nghiệp chỉ cung ứng một phần đầu vào như phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, thu mua lúa… tuy nhiên đa phần doanh nghiệp thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Vì vậy, họ chưa mặn tham gia” - ông Đức trăn trở. Ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong thực hiện mô hình CĐML còn nảy sinh nhiều trục trặc. Việc xác định giá giữa doanh nghiệp và nông dân chênh lệch nhau. Các doanh nghiệp gặp khó trong hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức thu mua, phơi sấy, tài chính... “Hầu hết doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nên tiền đâu để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, trong 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ khoảng 30 doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện bao tiêu. Vì vậy, từng tỉnh nên chỉ đạo các doanh nghiệp mạnh tham gia. Phía các bộ, ngành cần có biện pháp hỗ trợ để gắn kết giữa doanh nghiệp gần với nông dân hơn” - ông Linh đề xuất. PGS-TS Lê Quốc Doanh kiến nghị Chính phủ ban hành quyết định về một số chính sách hỗ trợ sản xuất - tiêu thụ nông sản theo phương thức CĐML. Xây dựng, điều chỉnh một số văn bản pháp luật có liên quan như sửa đổi, bổ sung về điều kiện được phép xuất khẩu gạo, theo hướng yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gạo gắn với vùng nguyên liệu.
Trọng Nghĩa |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã