Môi trường được chú trọng đặc biệt
Những ngày cuối năm nay, không khí xây dựng NTM ở đây đang diễn ra rất rầm rộ. Đi đến đâu, PV cũng gặp cảnh người dân giải phóng hành lang, đổ bê tông đường, sửa cống, quét dọn cỏ rác.
Trên địa bàn huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) vẫn còn rất nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: V.T
Càng ngày lượng rác thải càng nhiều, trong khi đó đất quy hoạch bãi rác thì có hạn. Môi trường có trong sạch hay không, phần lớn nhờ vào ý thức của người dân. Ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền thêm cho người dân hiểu và chấp hành”. Ông Nguyễn Thanh Tuấn
|
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Dương cho biết, có thể nói trong bộ tiêu chí NTM thì tiêu chí môi trường được cho là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Trong tiêu chí này, các chỉ tiêu như việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; quy hoạch khu nghĩa trang nhân dân; quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hộ chăn nuôi hay xây dựng hạ tầng thoát và xử lý nước thải nông thôn đã được triển khai tích cực và phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, đối với hoạt động thu gom, xử lý chất thải mặc dù đã được quan tâm thực hiện, song đây vẫn luôn là vấn đề bức xúc nhất của các xã trên địa bàn, ngay cả với các xã đã về đích. “Để thực hiện được tiêu chí này, bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn, UBND huyện Tam Dương đã ban hành các văn bản về việc chấn chỉnh công tác xây dựng, quản lý, vận hành bãi chôn lấp tạm thời và tăng cường quản lý thu gom rác thải; xử lý các bãi tập kết rác thải không đúng nơi quy định; quy hoạch lại nghĩa trang nhân dân... Đến nay, 100% xã thực hiện thu gom, xử lý rác thải từ 1-3 lần/tuần. Toàn huyện có 33 bãi xử lý rác thải tạm thời với diện tích gần 10.000m2” – ông Tuấn cho hay.
Mặc dù vậy, song việc thu gom rác ở một số thôn, xóm không được thực hiện thường xuyên, hơn nữa biện pháp xử lý vẫn chủ yếu là chôn lấp, hoặc đốt, nên gây ô nhiễm đối với các vùng xung quanh. Để khắc phục tình trạng này, xã Hợp Thịnh đã có cách làm hay, khi thành lập các tổ dịch vụ vệ sinh môi trường của xã đồng thời xây dựng 3 bãi rác tạm để tập kết rác thải trong các thôn dân cư. Việc xử lý rác thải được đảm bảo đúng quy trình như: Rác thải sau khi thu gom tại các thôn được vận chuyển về các bãi rác tạm và được phun khử trùng từ 1-2 lần/tháng, sử dụng chế phẩm EM, rồi sau đó đưa đi xử lý.
Các bãi rác quá tải
Mặc dù là xã điểm và đã về đích, nhưng xã Vân Hội lại đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng, khi các bãi rác đã quá tải. Theo đó, xã có 3 bãi rác tạm tại các thôn: Vân Tập, Vân Giữa và Chấn Yên thì hiện bãi rác Vân Tập đã quá tải nên ngừng hoạt động. Còn rác thải tại bãi rác Yên chỉ được xử lý bằng chôn lấp thủ công hoặc đốt tự do nên không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và cũng đã quá tải. Trong khi đó, việc tìm kiếm vị trí quy hoạch bãi rác thay thế khá nan giải.
Mặc dù có Tổ thu gom rác, thu gom 2 – 3 lần/tuần, nhưng do bãi rác quá tải nên tình trạng ô nhiễm vẫn vẫn là gánh nặng với nhiều xã của huyện Tam Dương. Ảnh: V.T
Để khắc phục tình trạng này, xã đã thuê các container của Công ty Dịch vụ môi trường Vĩnh Yên về để đổ và vận chuyển rác đi xử lý. Tuy nhiên, cũng phải 2 – 3 ngày mới vận chuyển được một chuyến vì chi phí lớn. Điều này đồng nghĩa với việc, các hộ dân phải “om” rác trong nhà 2 – 3 ngày, rất ô nhiễm. Do đó, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng, lợi dụng trời tối người dân chở rác ra những khu vắng người để vứt, khiến tình trạng ô nhiễm càng nặng hơn.
Một vấn đề nữa là, tại các vùng chuyên canh rau, thay vì việc ủ phân ở góc ruộng để bón, nhiều năm nay người dân xã Vân Nội thường ủ phân ngay vệ đường, khiến môi trường ở đây rất ô nhiễm.
Ông Tuấn thừa nhận, không chỉ những xã chưa về đích đang gặp khó khăn trong việc xử lý môi trường, mà cả những xã đã về đích cũng đang bế tắc: “Càng ngày lượng rác thải càng nhiều, trong khi đó đất quy hoạch bãi rác thì có hạn. Môi trường có trong sạch hay không, phần lớn nhờ vào ý thức của người dân. Do đó, ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền thêm cho người dân hiểu và chấp hành” – ông Tuấn cho hay.
Tác giả bài viết: Việt Tùng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã