Học tập đạo đức HCM

Huyện Từ Liêm: Xứng danh truyền thống Anh hùng

Chủ nhật - 02/09/2012 02:37
Là huyện ven đô, Từ Liêm vốn có bề dày truyền thống cách mạng và lịch sử lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, địa giới hành chính và tên gọi có lúc khác nhau nhưng mảnh đất này vẫn gắn bó với Thăng Long ngàn năm văn vật. Từ Liêm hôm nay đang thực sự chuyển mình với diện mạo của vùng đô thị mới hiện đại, văn minh của Thủ đô.
Từ truyền thống

Từ những ngày đầu khi thực dân Pháp đem quân xâm chiếm Việt Nam, Đỗ Đức Kiên (người Tây Tựu), Hoa Văn Trứ (người Cổ Nhuế) đã dấy quân khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Thời kỳ hoạt động bí mật, Từ Liêm đã trở thành "vành đai đỏ" trong "an toàn khu" của T.Ư Đảng, của Xứ ủy Bắc kỳ và là nơi dừng chân của Thành ủy Hà Nội trong thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân dân Từ Liêm kiên trung, bất khuất một lòng một dạ đi theo Đảng và đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với truyền thống cách mạng, Từ Liêm vinh dự là một trong ít địa phương được Bác Hồ đến thăm nhiều lần, đặc biệt ở các xã: Phú Diễn, Mễ Trì, Xuân Phương... Thực hiện lời dạy của Người, Từ Liêm hôm nay đang khởi sắc, đổi mới từng ngày với tương lai không xa trở thành vùng đô thị mới hiện đại, văn minh theo quy hoạch chung của Thủ đô.

Đến hiện tại

Tự hào với truyền thống cách mạng, đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới (2005), phát huy thành tích hơn 20 năm sự nghiệp đổi mới của Đảng, những năm qua, Từ Liêm đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. 

Nhiệm kỳ (2005 - 2010), Đảng bộ và nhân dân huyện Từ Liêm đã phấn đấu tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XXI đề ra. Kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 18,9% (tăng 2,4 lần so với năm 2005); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 155 triệu đồng/héc ta, tăng gần 50 triệu đồng so với năm 2007. Trong tỷ trọng GDP năm 2005, công nghiệp chiếm 67,8%, thương mại, dịch vụ 22,5%, nông nghiệp 9,7%, đến năm 2010 đã chuyển dịch công nghiệp 60,2%, thương mại, dịch vụ 36,3%, nông nghiệp chỉ còn 3,5%. Cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ đã hoàn thành giai đoạn 2, tiếp nhận 80 doanh nghiệp vào sản xuất ổn định, thu hút hàng ngàn lao động. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn như Metro, Citimax, HC, The Garden... đã đi vào hoạt động tạo đà phát triển ngành dịch vụ ở địa phương. Mặc dù diện tích đất canh tác bị thu hẹp hơn 1.600 ha nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân một ha canh tác đạt 120 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2005. Các vùng chuyên canh trồng hoa công nghệ cao theo mô hình nhà lưới ở Tây Tựu, Liên Mạc; trồng cây ăn quả ở Minh Khai, Phú Diễn, Xuân Phương; nuôi trồng thủy sản ở Trung Văn, Thụy Phương... luôn là điểm nhấn của ngành nông nghiệp Thủ đô. Kinh tế phát triển, huyện có điều kiện đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp hạ tầng, trong đó dành 62% kinh phí cho sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội. Bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc, tất cả các xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế và 32 trường học đạt chuẩn quốc gia.
 


Và tương lai

Theo quy hoạch chung của Thủ đô, huyện Từ Liêm thuộc vùng phát triển đô thị và nằm trên vành đai xanh của Hà Nội. Đây là cơ hội lớn cho Từ Liêm phát triển theo hướng đô thị sinh thái bền vững. Với chủ đề: "Phát huy truyền thống anh hùng - đoàn kết, đổi mới toàn diện, xây dựng huyện Từ Liêm trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh", Đại hội lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện Từ Liêm đã xác định 9 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu "đột phá" là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác cán bộ và tập trung thực hiện tốt giải phóng mặt bằng. Theo đó, Từ Liêm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 15 - 16%/năm. Đến cuối năm 2015: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp 52%, dịch vụ 47%, nông nghiệp còn 1%; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,6%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 75%; kết nạp đảng viên bình quân là 240 người/năm; hàng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh đạt 80% trở lên, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể vững mạnh đạt 80% trở lên… 
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tập trung thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị. Điều này đã trở thành phương thức hoạt động trong hệ thống chính trị của huyện theo hướng: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân". 

Với tinh thần đó, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các dự án, công trình đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất. Công khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, quyết toán ngân sách xã, các loại phí, lệ phí, các chế độ chính sách, kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND xã, thị trấn bầu… 

Đến nay, 15/15 xã của Từ Liêm đã được phê duyệt Đề án Xây dựng nông thôn mới, 100% hộ dân được sử dụng điện, 98% hộ dân được dùng nước sạch, 98% đường liên thôn, liên xã được trải nhựa và bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8% theo chuẩn mới. 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế của huyện duy trì ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng ước đạt 2.963,5 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 52% kế hoạch năm. 6 tháng đầu năm, toàn huyện thu ngân sách đạt 1.659,37 tỷ đồng, đạt 65% dự toán thành phố giao và đạt 64% chỉ tiêu phấn đấu. 

Trong cải cách hành chính, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của huyện đã nhận 23.849 hồ sơ, các xã, thị trấn nhận và giải quyết 63.806 hồ sơ hành chính của nhân dân, đạt tỷ lệ 99,3 % số hồ sơ tiếp nhận. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiện, toàn huyện có 111 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong đề án xây dựng nông thôn mới của 15 xã đang được triển khai thực hiện.

Để có được diện mạo như hôm nay, trước hết đó là kết quả của quá trình kiên trì phấn đấu, sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Từ Liêm qua nhiều thế hệ. Bài học kinh nghiệm của Từ Liêm là phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận trong toàn Đảng bộ, sự linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ huyện tới cơ sở. Đối với từng giai đoạn phải biết lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, có tổng kết, sơ kết, kiểm điểm việc thực hiện, rút kinh nghiệm. Mỗi cấp ủy viên đều phải có chương trình công tác ở cơ sở; cấp ủy định kỳ làm việc với Thường trực MTTQ và Thường vụ các đoàn thể… Lãnh đạo phải bám sát cơ sở, biết lắng nghe dân; điều hành tập trung, quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt, đến nay, huyện vẫn duy trì tốt việc giao ban hàng tháng giữa lãnh đạo huyện với Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các xã, Trưởng các ban Đảng và các phòng, ban chức năng để giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn. Phải chăng, đó cũng là bài học gần dân, trọng dân, biết dựa vào sức dân để khơi nguồn nội lực, hướng tới tương lai, xây dựng huyện Từ Liêm thành vùng đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với đơn vị Anh hùng. 

 
Bảo Châu
Nguồn:ktdt.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập336
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại723,725
  • Tổng lượt truy cập90,787,118
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây