Bước nhảy của cơ giới hóa
Cách đây hơn 15 năm những chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) lần đầu tiên xuất hiện đồng loạt ở đồng ruộng Cần Thơ nhưng chỉ để trình diễn cắt lúa. Mãi đến năm 2005, ĐBSCL chỉ có khoảng 30 máy GĐLH làm dịch vụ cắt lúa trên đồng ruộng. Đến năm 2012, ĐBSCL có 12.234 máy gặt lúa. Trong đó có đến 8.698 máy GĐLH, chiếm 71%. Diện tích lúa được gặt bằng máy cả vùng đạt 56%, một số tỉnh có mức độ cơ giới hóa thu hoạch cao như: Đồng Tháp 61%, Long An 95%, Vĩnh Long 76%, Kiên Giang 60%, Sóc Trăng 68%...
Các nhà khoa học cho rằng, khâu thu hoạch lúa bằng máy GĐLH đang tăng dần theo hàng năm tùy thuộc vào điều kiện đất đai canh tác lúa của mỗi tỉnh từ 10% - 76%. Đây là khâu tăng nhanh nhất trong quá trình cơ giới hóa cây lúa ở ĐBSCL. Đa số các máy GĐLH đều là máy mới. Sau 4 năm máy GĐLH đã làm thay đổi nông thôn trong mùa thu hoạch lúa.
Theo ngành nông nghiệp trong vùng, thu hoạch bằng máy GĐLH bình quân 2,1 triệu đồng/ha, tiết kiệm 900.000 đồng/ha so với thu hoạch bằng tay. Tổn thất ở khâu này từ 5,6% giảm xuống còn 2%. Người mua máy làm dịch vụ có thể hoàn trả 100% vốn vay trong 2 - 3 năm và hầu như không có nợ xấu.
Đây có thể xem là hiệu quả bước đầu từ các cơ chế, chính sách của Chính phủ gần đây. Qua 2 năm thực hiện, chủ trương của Chính phủ đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của nông dân cả nước, nhất là vùng sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL. Việc dùng máy GĐLH tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái và họ thực hiện việc làm khô lúa tại các lò sấy dịch vụ quy mô lớn.
Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa hè thu bằng máy gặt đập liên hợp. |
Nhanh chóng tháo “nút thắt”
Trong 2 năm trở lại đây, nông dân có xu hướng lựa chọn máy GĐLH Kubota lắp ráp tại Việt Nam (mặc dù giá cao), thay vì mua các máy do Trung Quốc chế tạo trước đây hoặc các máy rẻ hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư máy GĐLH đang “nghẽn mạch”.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Thực hiện Đề án hỗ trợ cơ giới hóa thu hoạch bằng máy GĐLH theo tinh thần Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản thông qua hình thức cho nông dân vay vốn mua máy GĐLH đã đạt thành công bước đầu, nhiều hộ đã mua được máy. Thế nhưng, khi nông dân mua máy có giá trị tỷ lệ nội địa hóa trên 60% thì gặp những hạn chế trong quá trình hoạt động. Máy nặng nề, khó xoay chuyển trên vùng có nền đất yếu, độ bền không cao, thiết bị thiếu đồng bộ… Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch nên người trồng lúa không mặn mà với việc thuê máy nội địa”.
Hiện một số tỉnh ở ĐBSCL đã phải có cơ chế riêng hỗ trợ nông dân mua máy ngoại bằng ngân sách địa phương. Trong giai đoạn từ 2012 - 2015, Hậu Giang cần trang bị thêm 100 máy GĐLH mới có thể giải quyết được 70% diện tích lúa trên địa bàn.
“Tổng nguồn vốn đầu tư bước đầu khoảng 72 tỷ đồng. Nhà nước sẽ hỗ trợ nông dân vay vốn ngân hàng 70% giá trị máy bằng hình thức tín chấp, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay và hỗ trợ 2 năm lãi suất ngân hàng, cùng 30% là vốn tự có của tổ chức, cá nhân để mua máy. Đặc biệt, không phân biệt chủng loại máy như trước đây nên nông dân có thể mua máy có thiết bị, công nghệ hoàn toàn ngoại nhập vẫn được hỗ trợ” - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng đề xuất.
Nhiều địa phương đã đề xuất cơ chế riêng để hỗ trợ nông dân tỉnh nhà. Song nhìn chung mỗi tỉnh một cơ chế, thiếu tính thống nhất và gặp nhiều khó khăn bởi ngân sách các tỉnh thuần nông rất hạn chế.
Bộ NN-PTNT đang đề nghị bổ sung một số cơ chế, chính sách để nông dân tiếp cận nguồn vốn, mua máy GĐLH. Đáng chú ý là đề nghị bổ sung vào điều 1 của Quyết định 63/2010/QĐ-TTg: Nông dân, người đầu tư mua các loại máy móc, thiết bị có tên trong danh mục do Bộ NN-PTNT công bố được tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi hiện hành. Tổ chức hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đầu tư một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu mà trong nước chưa có khả năng đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, ngoài danh mục, được hưởng vay bằng 70% giá trị hàng hóa, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 35% lãi suất… Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có văn bản bổ sung hướng dẫn về trình tự, thủ tục thời gian cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, cho phép nông dân sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp cho vay đầu tư máy nông nghiệp. Đây cũng là bức xúc của nông dân, lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL trong 2 năm qua.
| |
CAO PHONG
sggp.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã