Ngay sau khi đọc thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn nợ cũ và cho vay mới với lãi suất 11%/năm, ngày 8-8 anh Phan Văn Thành (Trảng Bom, Đồng Nai) đã điện thoại đến chi nhánh NH Agribank, Vietcombank... tại Biên Hòa hỏi về cách tiếp cận ưu đãi trên. Tuy nhiên nhân viên các NH này cho biết đó mới chỉ là chỉ đạo của Chính phủ, các NH còn đợi hướng dẫn của NH Nhà nước.
Điệp khúc chờ đợi
"Đây không phải là lần đầu tiên mọi chính sách về ưu đãi vay và lãi suất mà tôi đọc trên báo nhưng đến khi hỏi các NH họ đều nói chờ hướng dẫn. Cuối cùng thì chúng tôi đành đi vay như khách hàng thông thường" Anh Phan Văn Thành(Trảng Bom, Đồng Nai) |
Không chỉ chăn nuôi heo gà, người nuôi cá và công ty chế biến cá tra xuất khẩu cũng trong tình trạng tương tự. Anh Nguyễn Thanh Minh (Đồng Tháp) cho biết vay mới thì anh chưa cần nhưng muốn được giãn nợ khoản vay gần 1 tỉ đồng thua lỗ vụ cá vừa qua nhưng chưa được vì NH nói đợi hướng dẫn. Ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, cho biết doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được chính sách này. Ông Kịch tỏ ra không mấy tin tưởng chính sách này sẽ sớm đến với người dân và doanh nghiệp. “Sẽ chỉ có một số ít doanh nghiệp quan hệ tốt với NH tiếp cận được chính sách này” - ông Kịch cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nông dân tỏ ra khá bàng quan trước thông tin được vay vốn lãi suất thấp (11%/năm) như NH Nhà nước tuyên bố. Vì theo họ, có hai lý do họ sẽ không cần đến nguồn vốn này. “Với những người chăn nuôi thì tài sản họ đều để ở NH để lấy tiền đầu tư, giờ muốn vay vốn mới thì lấy gì thế chấp” - anh Thành cho biết. Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thừa nhận tình trạng trên và cho biết người chăn nuôi thường phải thế chấp sổ đỏ để đầu tư, vốn liếng của họ một phần mất đi trong đợt thua lỗ vừa qua, một phần đang nằm trong đàn vật nuôi trong chuồng. “Do đó chúng tôi đang làm việc với NH để người dân được thế chấp chính đàn heo, gà đang có để vay vốn mới. Bước đầu Agribank chi nhánh Đồng Nai đã đồng ý” - ông Công cho biết.
Ngân hàng cũng dè chừng
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số NH lớn như Vietinbank, Agribank cho biết đã triển khai chỉ đạo của NH Nhà nước.
Một lãnh đạo Vietinbank cho biết trước khi NH Nhà nước có chỉ đạo, NH đã rà soát, cơ cấu lại nợ cho các khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thời điểm 15-7 đã có khoản vay nông nghiệp được hưởng lãi suất 9%/ năm. “Tất nhiên không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được lãi suất thấp. Nếu là mối hàng lớn, tiêu thụ tốt, khả năng tài chính mạnh sẽ được NH ưu đãi hơn để mở rộng kinh doanh. Còn khách hàng thông thường thì lãi suất dao động khoảng 10%/năm” - vị lãnh đạo này nói. Cũng theo vị lãnh đạo này, NH đã triển khai cơ cấu lại nợ với những khách hàng gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... Phương án đánh giá cũng rất cụ thể. Theo đó, nếu khách hàng có phương án khắc phục khó khăn tạm thời thì NH sẽ cơ cấu kỳ hạn nợ, giảm lãi suất để giúp khách hàng vượt qua khó khăn. “Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng không phải cứ NH Nhà nước có chính sách thì khách hàng nào đến NH cũng tiếp cận được vốn, NH chỉ cho vay khi nhìn thấy khả năng thu nợ từ khách hàng” - ông này nói.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, tổng giám đốc HDBank, cho biết dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản và các lĩnh vực liên quan chiếm khoảng 30% dư nợ của NH. Riêng với nông dân, NH chưa có chính sách cho vay trực tiếp do chưa có mạng lưới tận huyện, xã. Ông Đặng cũng cho rằng dù vẫn phát triển tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng trong bối cảnh hiện nay khi doanh nghiệp nông sản gặp hàng loạt khó khăn NH cũng phải kiểm soát chặt điều kiện vay.
Trong khi đó ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết NH chủ yếu cho vay doanh nghiệp là chính, rất ít cho vay nông dân do mạng lưới chi nhánh của NH không phủ xuống được từng huyện, xã.
Nhiều NH nhỏ khác cho biết chưa dám đẩy mạnh cho vay nông nghiệp do lĩnh vực này quá rủi ro, không phải NH nào cũng am hiểu thị trường nông thôn. Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần cho biết chủ trương của NH là không đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông dân mà chỉ hướng đến đối tượng doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản. Lý do là cho vay nông nghiệp quá rủi ro, giá trị khoản vay lại nhỏ nên chi phí quản lý rất lớn, hiệu quả không cao.
TRẦN MẠNH - ÁNH HỒNG
tuoitre.vn
Yêu cầu báo cáo việc kiểm tra NH Nhà nước VN vừa có văn bản yêu cầu chậm nhất ngày 15-9 các NH phải báo cáo tình hình triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH nêu đề xuất, kiến nghị cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn. A.H. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã