Thu nhập bình quân 22 triệu đồng/người/năm Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, đối với việc điều chỉnh tiêu chí về thu nhập, Bộ đề xuất Chính phủ sửa tiêu chí này thành thu nhập bình quân 22 triệu đồng/người/năm. Lý giải vì sao phải điều chỉnh tiêu chí này, ông Lộc cho biết: Quyết định 491/QĐ-TTg trước đây quy định chỉ tiêu chung để đạt được tiêu chí thu nhập trong XDNTM là thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh là 1,4 lần. Thực tiễn cho thấy, tiêu chí này có nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể, mục tiêu thu nhập 1,4 lần so với mức bình quân chung của tỉnh mang giá trị tương đối, thay đổi theo từng năm, dẫn tới các nhóm có mức thu nhập ban đầu thấp sẽ không có cơ hội vươn lên đạt chuẩn NTM. Người dân và cán bộ cơ sở không hình dung ra mức cụ thể phải phấn đấu là bao nhiêu. Mặt khác, nếu tính chuẩn thu nhập theo phương pháp tương đối, cả nước sẽ có rất nhiều mốc đạt tiêu chí về thu nhập khác nhau, xảy ra tình trạng một số tỉnh cùng đạt NTM nhưng thu nhập có thể chênh nhau 2-3 lần. Về căn cứ đưa ra con số 22 triệu đồng, ông Lộc cho biết: Yêu cầu đặt ra là, xã đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập thì nhất thiết phải có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với mức bình quân chung trên địa bàn nông thôn cả nước. Mục tiêu phấn đấu về tăng trưởng thu nhập của dân cư nông thôn nêu trong Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) thì đến năm 2020 thu nhập của cư dân nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay. Như vậy nếu đạt mục tiêu tăng gấp 2,5 lần như Nghị quyết thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn phải đạt 22 triệu đồng/người/năm. Thay thế tiêu chí cơ cấu lao động Đối với tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất thay thế tiêu chí “Cơ cấu lao động” bằng tiêu chí “Tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động” với chỉ tiêu chung là 90%. Quy định hiện hành đặt chỉ tiêu chung là tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là dưới 30%. Ông Lộc cho rằng, tiêu chí này phù hợp với cấp vùng và cả nước, nhưng không sát với các xã thuần nông. Thực tiễn ở nhiều nơi, khi đẩy mạnh phát triển sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế về nông nghiệp, tỷ lệ lao động nông nghiệp thậm chí còn tăng lên. Tại 11 xã điểm được Ban Bí thư chọn XDNTM cho thấy, sau 3 năm thực hiện, nhiều xã đã đạt 18 tiêu chí nhưng riêng tiêu chí “Cơ cấu lao động” vẫn không đạt, vì mỗi năm chỉ giảm được bình quân 3-5% lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp… Ông Lộc chia sẻ, đây mới là lần đầu tiên chúng ta xác định mô hình XDNTM với 19 tiêu chí cụ thể để định hướng cho sự phát triển của các địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Do vậy, khi triển khai vào thực tế có những điểm cần thiết phải sửa cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương cũng như trên quy mô cả nước. XDNTM “không phải là cuộc chạy đua” lấy thành tích mà là mục tiêu lâu dài để đảm bảo lợi ích thiết thực cho mỗi người nông dân. Để nông thôn thực sự được “lột xác” cần phải có một quá trình, không phải “muốn là được”, làm 1 lần là xong. T.Mạnh-H.Diên |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã