Một chuyến đi biển về của ngư dân "Chiếc áo mới” ở Nhân Trạch Nhân Trạch từng nổi tiếng với tinh thần "bám biển” trong kháng chiến chống Mỹ và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Nhân Trạch vẫn là một làng biển nghèo với những con đường cát nóng bỏng chân trần, nhưng nay với hầu hết các con đường làng chạy ngang dọc như ô bàn cờ đã được "cứng” hóa (42km), trong đó 5,9km các trục đường chính đã được trải bê tông khá thuận lợi cho xe cộ tấp nập ngược xuôi. Giao thương được đẩy mạnh với nhiều ngành nghề phát triển, người dân mở rộng làm ăn: ra khơi vào lộng, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, xuất khẩu lao động, xây dựng kinh tế trang trại, mở rộng các ngành nghề dịch vụ... Năm 2010 được coi là năm được mùa biển nhất trong lịch sử của làng biển có bề dày lịch sử hơn 600 năm này, khi sản lượng đánh bắt lên đến 11 nghìn tấn. Hiện tại Nhân Trạch có hơn 1.000 con em đi xuất khẩu lao động, riêng năm 2011 với gần 800 người đi xuất khẩu lao động ở 13 nước trên thế giới đã đem về nguồn ngoại tệ lớn, khiến Nhân Trạch cùng với Nam Trạch và Thanh Trạch trở thành 3 xã có thu nhập từ xuất khẩu lao động lớn nhất huyện Bố Trạch. Nhờ đó, nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên, thậm chí đã xuất hiện những xóm dân cư mới như xóm "Hàn Quốc”, xóm "biệt thự” (thôn Nhân Quang, thôn Bắc) - thành quả của những năm đi xuất khẩu lao động đã làm thay đổi diện mạo cả 3 vùng của làng Lý Nhân Nam, xã Nhân Trạch. Bước vào xây dựng NTM muộn hơn so với mặt bằng chung của cả nước, khi mãi đến cuối năm 2011 mới bắt đầu triển khai nhưng với những bước chuyển mình từ trước đó, đến nay Nhân Trạch đã đạt được 9/12 tiêu chí. Ông Võ Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: "Nhân Trạch là 1 trong 12 xã của huyện Bố Trạch đã được thông qua đề án triển khai xây dựng NTM, và với những tiêu chí đạt được thì xã nhà được đánh giá nằm vào tốp 2 của huyện. Xã đã hoàn thành xong đồ án xây dựng NTM. Một góc ở thôn Bắc – xã Nhân Trạch ngày nay Vẫn bộn bề khó khăn Tuy nhiên, Nhân Trạch vẫn còn đó với nhiều bộn bề khi tính đến cuối 2010 xã vẫn còn 114 hộ nghèo trong tổng số 950 hộ của toàn xã. Mặc dù lưới điện đã phủ 100% số hộ nhưng nước sạch cũng mới chỉ đến được với 800 hộ. Kinh tế biển được coi là trọng điểm trong cơ cấu kinh tế của xã nhưng cũng mới dừng lại ở việc bám biển lộng khai thác ven bờ, chưa thể vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày. Trong 213 chiếc thuyền ở đây thì chỉ có 8 chiếc đạt công suất từ 45 đến 90CV, còn lại là thuyền loại nhỏ, thuyền nan dưới 45CV với nghề lưới mành chủ yếu khai thác các loại cá nhỏ. Một bộ phận ngư dân vì quá khó khăn với nghề biển như thiếu nhân lực, thiếu vốn, đánh bắt không hiệu quả, giá dầu tăng nên buộc phải chuyển đổi phương thức làm ăn. "Nhưng khó khăn nhất trong việc xây dựng NTM ở Nhân Trạch hiện nay là công tác hiến đất làm đường giao thông của người dân” – Ông Võ Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã cho biết. Với truyền thống của người miền biển là thường làm nhà ở sát nhau nên phần lớn các trục đường giao thông ở đây chỉ rộng khoảng 2 – 2,5m, trong khi tiêu chí của xây dựng NTM phải đạt từ 3,5 – 4m. "Thành ra người dân rất khổ trong khâu hiến đất để mở rộng đường vì "đụng phải” nhà ở của mình mà đất cấp nhà giãn dân lại thiếu, vì đã quy hoạch đâu vào đấy cả rồi”, ông Chủ tịch bày tỏ. Địa lý của Nhân Trạch cũng khá đặc biệt: Địa bàn rộng lại phân tán, tách biệt 3 vùng, đây là điều gây khó khăn, cản trở trong việc triển khai xây dựng NTM, nhất là khâu làm đường giao thông nông thôn, vì phải phân tán lẻ tẻ, khó đồng bộ. Trong khi thiếu vốn vẫn là căn bệnh trầm kha của bất cứ địa phương nào, không riêng gì Nhân Trạch. Vấn đề xây dựng giao thông nông thôn luôn được ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng NTM của địa phương. "Cả hệ thống chính trị sẽ ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rằng xây dựng NTM là phục vụ lợi ích lâu dài cho chính người dân, nên vẫn phải dựa vào sức dân là chính. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Nhân Trạch cũng đã có kế hoạch triển khai từng bước rõ ràng, không làm thì thôi nhưng đã làm thì phải cố gắng đạt kế hoạch đề ra của từng năm, như thế mới thắng lợi”, Chủ tịch Thái tâm sự. Qua tìm hiểu được biết, người dân ở đây rất coi trọng việc "cứng” hóa của đường sá, vừa đẹp cảnh quan lại tạo thuận lợi cho việc buôn bán giao thương chợ xa, chợ gần. Nhận thức được điều này nên người dân 4 thôn của vùng bắc sông Dinh đã tự nguyện đóng góp tiền của, nhằm bê tông hóa các trục đường của vùng làm ai cũng nức lòng. Đó sẽ là nguồn cổ vũ lớn cho những thôn khác "bắt nhịp” mà tiến bước. Xuân Phạm |
Theo daidoanket.vn |
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã