Ông Bạch Quốc Khang - Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch - cho hay, theo đánh giá chung hiện nay, số lượng máy động lực sử dụng trong nông nghiệp tăng 1,6 lần trong 10 năm qua. Một số loại máy công tác tăng rất nhanh: máy gặt lúa tăng 25,6 lần; máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 6 lần; bơm nước tăng 1,2 lần. Mức độ CGH nhiều khâu đạt cao: làm đất lúa đạt 93%; gieo cấy đạt 90%, chăm sóc đạt 65%, thu hoạch lúa đạt 42%. Đặc biệt vùng sản xuất lúa hàng hóa đồng bằng sông Cửu Long khâu thu hoạch lúa đạt 76%, sấy chủ động lúa trên 60% đáp ứng tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, trình độ CGH nông nghiệp nước ta còn nhiều vấn đề. Cụ thể: Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp còn thấp hơn một số nước trong khu vực, đa phần là cỡ nhỏ, hiệu quả chưa cao; Tỷ lệ CGH còn chênh lệch giữa cây lúa và các cây trồng khác; Công tác quản lý chất lượng máy nông nghiệp bị buông lỏng, thị trường cạnh tranh chưa lành mạnh, nông dân thiếu thông tin…
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách của Nhà nước chưa theo kịp với yêu cầu sản xuất, sự hỗ trợ của Nhà nước chưa có đột phá, còn lắt nhắt và chắp vá. Ông Khang dẫn chứng: Trong hơn 3 năm, từ 2010-2013, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho CGH nông nghiệp đã 3 lần thay đổi theo chủng loại máy. Bên cạnh đó, một trong những bất cập nổi cộm còn là nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế, dẫn đến địa phương phải hạn chế quy mô hỗ trợ. Trong 5 năm 2011-2015, ngân sách Nhà nước bỏ ra hỗ trợ lãi suất mua máy móc CGH trong nông nghiệp chỉ khoảng 500 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - cho hay, việc triển khai cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí còn thiếu đồng bộ, các doanh nghiệp cơ khí Nhà nước chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, thiếu sự quan tâm đầu tư vào ngành cơ khí. Các doanh nghiệp trong ngành chưa chủ động tham gia hợp tác, hội nhập quốc tế; tính chuyên môn hóa trong sản xuất thấp dẫn đến chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Từ phân tích thực trạng của nước ta, kinh nghiệm phát triển CGH nông nghiệp của nước ngoài cũng như nhu cầu và chủ trương phát triển CGH nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành, ông Bạch Quốc Khang cũng đưa ra đề xuất tăng mức độ CGH sản xuất cây hàng năm và mía, ngô, sắn đến năm 2020 ở các khâu làm đất, tưới nước, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đồng thời đưa ra những kiến nghị về cơ chế chính sách CGH nông nghiệp phải hướng đến đa mục tiêu, lấy mục tiêu thúc đẩy CGH nông nghiệp, tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân là chính, kết hợp với khuyến khích phát triển công nghiệp chế tạo máy trong nước....
“CGH nông nghiệp còn cần được tháo gỡ vướng mắc, rào cản lớn như tích tụ ruộng đất, chuyển dịch lao động, giá máy còn quá cao so với thu nhập của người nông dân. Hỗ trợ CGH tránh sa vào hỗ trợ trước mắt, lắt nhắt…”, ông Khang nhấn mạnh.
Nguyễn Hạnh
http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã