Thành công từ đồng thuận
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tuấn, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Nông Cống đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo cao; hạ tầng giao thông nông thôn và hệ thống thủy lợi nội đồng chưa được kiên cố hóa... là những rào cản đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả chính quyền và người dân.
Máy thu hoạch lúa của Công ty cổ phần công, nông nghiệp Tiến Nông | Ảnh: Trọng Hiếu |
Xác định sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân là “chìa khóa” để gỡ khó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các xã; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên lồng ghép qua các hội nghị, hội diễn văn nghệ, các lớp tập huấn; các thành viên trong Ban chỉ đạo, các tiểu ban xây dựng NTM thường xuyên đối thoại, lấy ý kiến từ bà con nhân dân, không để phát sinh những bức xúc… Qua đó, tạo được sự hưởng ứng tích cực của người dân, nguồn lực xã hội hóa vì vậy cũng tăng lên nhanh chóng.
Trong 5 năm, huyện đã huy động được 3.755 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM. Với số vốn này, huyện xây dựng và nâng cấp 12 nhà văn hóa xã, 77 nhà văn hóa thôn, 16 trạm y tế; bê tông hóa 342km đường giao thông thôn, xóm và 131km đường giao thông nội đồng; kiên cố hóa 105km kênh mương nội đồng và nâng cấp 43 trường học… Đến nay, bình quân toàn huyện đạt 14,4 tiêu chí/xã, 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Tượng Văn Hoàng Công Thi cho biết: Triển khai xây dựng NTM, xã đã phát động phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm. Điển hình như khi thực hiện tiêu chí số 2 (tiêu chí giao thông) thì đường trục xã xây dựng bằng nguồn vốn của xã; trục thôn, xóm có sự hỗ trợ xi măng từ Nhà nước, huy động nguồn vốn từ nhân dân và giao cho nhân dân trực tiếp tham gia triển khai, giám sát. Có nhiều gia đình tự nguyện hiến đất để mở rộng đường thôn, xóm. Con em xa quê cũng hỗ trợ xây dựng quỹ khuyến học với số tiền hàng tỷ đồng… Kết quả cán đích NTM vào năm 2013 (sớm hơn hai năm so với kế hoạch) là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận từ nhân dân. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ vững và tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được mới là điều mà chính quyền và nhân dân Tượng Văn luôn luôn trăn trở - ông Thi nhấn mạnh.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tuấn, từ nay đến cuối năm 2016, Nông Cống phấn đấu có thêm 4 xã đạt NTM. Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã yêu cầu các địa phương rà soát lại chương trình, kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường; khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tuấn, “lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm thước đo” là quan điểm xuyên xuốt trong quá trình xây dựng NTM của Nông Cống. Theo đó, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo các xã xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: Trồng ớt xuất khẩu, rau an toàn ở các xã Vạn Hòa, Thăng Long; trồng cây ăn quả tại các xã Trường Minh, Công Chính, Tế Thắng… Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ bà con ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác. Hiện nay, toàn huyện đã cơ bản áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, thí điểm mô hình 12ha trồng lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo mạ, cấy và thu hoạch. Qua đó, chi phí sản xuất giảm từ 3,6 - 4,2 triệu đồng/ha.
Là xã đầu tiên được huyện Nông Cống chọn để phát triển chăn nuôi trang, gia trại, từ năm 2005 đến nay, Tế Thắng đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND xã Tế Thắng Ngô Ngọc Quế cho biết: Hiện trong xã có 11 trang trại, gia trại làm ăn có thu nhập cao. Điển hình trang trại chăn nuôi của gia đình ông Lê Đình Kháng với số lượng lợn nái 200 con và lợn thịt 1.000 con, mỗi tháng gia đình ông xuất khoảng 20 tấn lợn thịt. Trừ hết chi phí, thu nhập của gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng/năm. Định hướng của huyện, cuối năm nay, trang trại của gia đình ông Kháng sẽ được nâng cấp để trở thành doanh nghiệp chăn nuôi.Bên cạnh nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, thời gian qua, huyện còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thuê đất sản xuất, kinh doanh. Huyện cũng đang triển khai các chính sách khôi phục một số làng nghề truyền thống, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; nhân rộng nghề mới… Với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Nông Cống sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển KT - XH trong thời kỳ mới - ông Tuấn khẳng định.
Theo Trọng Hiếu/daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã