Nằm ven thành phố Vĩnh Yên, phường Hội Hợp có 18 nghìn dân như công trường lớn trong quá trình mở mang đô thị, phát triển công nghiệp. Phát huy vai trò đầu tàu của 365 đảng viên, Đảng ủy phường tập trung lãnh đạo thực hiện QCDCCS, không để xảy ra vụ việc phức tạp hay khiếu kiện đông người. Hai năm qua, Ban Chỉ đạo QCDCCS phường đã rà soát, sửa đổi quy ước, hương ước của các tổ dân phố, thường xuyên kiểm điểm công tác tổ chức thực hiện QCDCCS như việc thông tin cho nhân dân về các chương trình, dự án, phương án bồi thường đất, kết quả xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo... Ban giám sát cộng đồng và người dân được tạo điều kiện giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn, qua đó, đề nghị thay đổi thiết kế một số cống, rãnh thoát nước cho phù hợp và được bên thi công tiếp thu, thực hiện. Các hộ dân có đất nông nghiệp nằm trong dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai, các dự án đất khu dịch vụ Cầu Ngã, Đồng Gáo, Sau Núi đều nhất trí với cách giải quyết của chính quyền, không có trường hợp nào phải cưỡng chế.
Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Văn Chung cho biết: “Gần đây, khi chính quyền tổ chức xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, do công khai mọi thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật, cho nên tất cả các hộ lấn chiếm đều tự giác phá dỡ công trình, vật dụng sai phạm, hoặc phối hợp cùng chính quyền phá dỡ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác dân vận và thực hiện QCDCCS”. Năm 2016, hơn 150 lượt ý kiến nhân dân được tổng hợp, phản ánh đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường để giải quyết. Việc công khai các kết luận, thông báo giải quyết vụ việc đã giúp hòa giải thành công 26 vụ việc xích mích tại các tổ dân phố. Cán bộ phường và thành phố tăng cường đối thoại với người dân có đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết dứt điểm tại cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Bên cạnh đó, phường thực hiện nghiêm QCDCCS tại nơi làm việc, công khai thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách, tài sản công, công khai nhận xét và đánh giá cán bộ. Nhờ đó, Đảng bộ phường nhiều năm được xếp loại trong sạch, vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ thành phố Vĩnh Yên.
Năm 2016, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành quy định về đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Bảy nhận định hoạt động này đã góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc ở cơ sở. Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp được tổ chức thường xuyên đối với các lĩnh vực, cải thiện đáng kể tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Số vụ việc người dân yêu cầu có quyết định, kết luận và văn bản giải quyết đạt 91%. Nhiều vụ việc phức tạp nhưng do được giải quyết công khai, dân chủ nên không gây ra tình hình phức tạp. Cụ thể như việc vận động thành công nhiều hộ dân di dời mộ ở Khu công nghiệp Bá Hiến, huyện Bình Xuyên. Các nội dung xây dựng nông thôn mới được công khai tại khu dân cư, bao gồm các khoản dân đóng góp, hỗ trợ của Nhà nước, tài trợ của các tổ chức và cá nhân. Đến nay, 82% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong hoạt động giám sát, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội được phát huy khá tốt. Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Đức Hào cho biết, Hội Cựu chiến binh các cấp tham gia giám sát nhiều việc khó khăn, vất vả, giám sát các công trình, dự án xây dựng nông thôn mới. Công tác giám sát đem lại kết quả cụ thể vì tiếng nói của cựu chiến binh được người dân tin tưởng. Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, nhiều công trình, dự án đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác nhiệt tình của người dân.
Đáng chú ý, việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc ở các cơ quan, công sở trực tiếp góp phần cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh với hơn 7.400 doanh nghiệp, việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP được cấp ủy các cấp quan tâm và thu được kết quả bước đầu. 148 doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, 252 doanh nghiệp đăng ký xây dựng nội quy lao động và hầu hết các doanh nghiệp quy mô lớn đều thực hiện dân chủ đến người lao động. Nhiều doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động như Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Phúc Yên, Công ty TNHH Jahwa Vina, Công ty cổ phần Dược Vĩnh Phúc… Thông qua đối thoại, nhiều doanh nghiệp đã giải quyết nhanh những kiến nghị chính đáng của người lao động. Chế độ bảo hiểm, tiền ăn giữa ca, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác cho người lao động được công khai, minh bạch và điều chỉnh phù hợp.
Kinh nghiệm thực hiện QCDCCS của tỉnh Vĩnh Phúc là khi người dân có ý kiến, cấp ủy, chi bộ tại khu dân cư phải nắm bắt đầy đủ, sớm gặp gỡ, trao đổi với người dân. Với những vụ việc liên quan đến đất đai, cấp ủy, chính quyền cần đối thoại với nhân dân càng sớm càng tốt. Hoạt động đối thoại cần được tổ chức bài bản, chặt chẽ, nhanh chóng, có nhiều bên tham gia. Một vụ việc có thể đối thoại nhiều lần, giải quyết từng bước dứt điểm. Cấp ủy cần phát huy tối đa vai trò của các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư trong các hoạt động giám sát, đối thoại. Trong quá trình thực hiện QCDCCS, cần chú ý vai trò của các tổ chức đoàn thể, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh... bởi đây là những tầng lớp có uy tín trong cộng đồng, tham gia tích cực, phát hiện nhiều vấn đề góp ý với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo: Hà Hồng Hà/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã