Tại Diễn đàn "Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh" chiều 12/7, các chuyên gia cho rằng nông nghiệp thông minh sẽ là giải pháp, hướng đi chiến lược để nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Nguy cơ tụt hậu
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (IPSARD), nhấn mạnh chuyển sang nền nông nghiệp thông minh đang là sức ép với Việt Nam khi hiện nay nguồn tài nguyên đất, nước, lao động… không còn dồi dào, trong lúc thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, 30 năm qua, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, giá trị sản phẩm gia tăng nhiều lần, sản lượng nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, thu nhập và đời sống người nông dân được cải thiện.
Tuy vậy, phát triển nông nghiệp hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Quy mô sản xuất nhiều ngành hàng còn manh mún, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản chưa cao.
Khu vực nông thôn Việt Nam chiếm 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động với hàng triệu mảnh ruộng là những thách thức lớn đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp. Một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không, ngành nông nghiệp sẽ lãng phí cơ hội, đối mặt nguy cơ tụt hậu xa hơn.
"Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thực sự trở thành xu hướng và đem lại hiệu quả. Khi tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, theo mô hình doanh nghiệp (DN) là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, HTX để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất và quản trị quá trình sản xuất quy mô hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn ATTP… sẽ thấy rõ vai trò, giá trị đem lại từ công nghệ số", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ts. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết ứng dụng công nghệ cao tương đồng với doanh thu tăng lên. Ví dụ như mặt hàng cà chua, Việt Nam có 15.000ha trồng cà chua, năng suất bình quân 45 tấn/ha. Nếu ứng dụng công nghệ cao thì 1ha trung bình đạt 60 tấn, giá bán tăng gấp 3 lần so với cà chua trồng theo phương thức canh tác truyền thống.
Lợi ích là vậy nhưng hiện nay, mức độ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.
Ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Tập đoàn Turatti tại Đông Nam Á, đánh giá rau củ quả Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị thấp, trong khi áp dụng công nghệ là trở ngại vì chi phí nhân công thấp.
Theo ông Phạm S, so với 11.500.000ha đất nông nghiệp, 3.800 DN nông nghiệp và 7 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, mức độ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn khiêm tốn.
Đặc biệt, khảo sát trên 15.000 HTX nông nghiệp hiện nay, mức độ tiếp cận công nghệ cao chưa đáp ứng được yêu cầu dù Việt Nam có nhiều cây trồng, vật nuôi có lợi thế.
Khó khăn nhất, theo Ts. Phạm S, là cả DN, HTX và nông dân vẫn chưa sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao do trình độ năng lực còn hạn chế, đầu tư công nghệ cần vốn nhưng nông dân, HTX và DN đang rất khó khăn khi vay vốn.
Nông nghiệp thông minh là con đường để nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp Việt |
"Đi ngay, đi nhanh và đi chính xác"
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao nhưng đến nay chỉ giải ngân được khoảng 54.000 tỷ đồng. Không tiếp cận được vốn, tại một số vùng nông thôn, nhiều nông dân đang phải tìm tới "tín dụng đen".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco, cho biết các văn bản hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện khá đầy đủ nhưng từ chủ trương đến thực hiện còn khoảng cách xa. Cụ thể, đầu tư công nghệ cao rất cần vốn nhưng bà con chưa được tiếp cận vì nhà kính, nhà lưới… không được thế chấp để vay vốn.
Là một DN nông nghiệp công nghệ cao, đại diện VinEco chia sẻ công ty này vẫn còn gặp nhiều khó khăn như mua công nghệ không khó nhưng khó nhất là tổ chức sản xuất do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Việt Nam chưa chủ động được vật tư nông nghiệp đầu vào, trong đó giống, phân bón vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu khiến DN luôn rơi vào tình thế bị động khi xây dựng kế hoạch sản xuất.
Trước thực tế trên, Ts. Phạm S nhấn mạnh Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc của nền nông nghiệp thông minh, ngược lại phải tiếp cận nhanh song không vội chạy theo phong trào. Quá trình triển khai cần theo phương châm "đi ngay, đi nhanh và đi chính xác" với cây trồng, vật nuôi, công nghệ phù hợp, có lợi thế so sánh để phát triển có hiệu quả.
Đồng thời, để phát triển nền nông nghiệp thông minh cần có chính sách về nông nghiệp thông minh đến năm 2020 và định hướng 2025. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT tham mưu đề xuất mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các viện nghiên cứu cần có chiến lược nghiên cứu phần mềm, phần cứng ứng dụng giải pháp IoT (internet vạn vật), tạo ra các công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0.
Các địa phương cần tiến hành đào tạo nguồn nhân lực toàn diện các đối tượng trực tiếp tham gia nông nghiệp thông minh 4.0 bao gồm: nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, DN, HTX và nông dân, đồng thời có chính sách khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển có chọn lọc, hiệu quả nhất nông nghiệp thông minh 4.0.
Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH, chia sẻ DN ứng dụng công nghệ cao nhưng phải phát triển bền vững – quan tâm đến bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đặt vấn đề làm thế nào để có con người công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết Nhà nước đã có chương trình đào tạo cho nông dân. Chương trình kỳ vọng mỗi năm đào tạo việc làm cho 1 triệu nông dân nhưng đào tạo nông dân làm công nghệ cao thì nội dung chương trình này cần thay đổi. Bên cạnh đó, vai trò quan trọng để có nhân lực trình độ cao phụ thuộc vào chính các DN; Nhà nước chỉ tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Lê Thúy/http://www.thoibaokinhdoanh.vn
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD Ứng dụng nông nghiệp thông minh giúp cho người nông dân thu nhập cao hơn nhưng cần đi chính xác, điều đó có nghĩa áp dụng công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, nếu muốn đi ngay, đi nhanh, đi chính xác phải có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phải có thị trường vốn cho những người sáng tạo – những người dám đầu tư rủi ro, đồng thời cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo DN và nông dân phải sẵn sàng cho đổi mới. Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Xây dựng nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo VSATTP, nâng cao giá trị gia tăng và đặc biệt ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ là xu thế tất yếu. Tuy nhiên muốn thành công cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà nông, DN, nhà khoa học với Nhà nước. Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần lấy DN làm nòng cốt, nông dân là chủ thể, khoa học công nghệ là then chốt, tổ chức liên kết các lực lượng sản xuất với nhau. Nếu một trong bốn khâu này mà rời rạc thì rất khó để thực hiện nền nông nghiệp công nghệ cao. |