Học tập đạo đức HCM

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang ( Đà Nẵng)

Thứ tư - 18/05/2016 03:43
Huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) là một vùng quê cách mạng, nổi tiếng trung dũng, kiên cường đi đầu chống ngoại xâm và tay sai trước đây. Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang tiếp tục phát huy truyền thống, đi đầu xây dựng quê hương giàu mạnh, giành nhiều thành tựu. Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Hòa Vang (đây là huyện duy nhất của TP Đà Nẵng) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm hơn 3 năm so với kế hoạch đề ra.

Chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời

Là huyện nông thôn duy nhất nhưng Hòa Vang chiếm tới hơn 70% diện tích và hơn 20% dân số của TP Đà Nẵng, có 4/11 xã là xã miền núi nên việc xây dựng nông thôn mới không dễ dàng như các địa phương khác.

Từ nhiều năm nay lãnh đạo TP Đà Nẵng thực sự muốn có sự đổi thay, đánh thức tiềm năng ở vùng đất cách mạng Hòa Vang.Song, TP Đà Nẵng còn phải tập trung nguồn lực cần đầu tư phát triển trước tiên là công nghiệp, du lịch, dịch vụ mới tạo ra nguồn thu lớn; sau đó, mới có thể tính đến chuyện phát triển vùng nông thôn. Chính vì vậy, xây dựng nông thôn mới được tiến hành cũng đúng lúc nguồn lực thành phố đã có sự tích lũy cần thiết nên có thể ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư như: Ngân sách thành phố hỗ trợ 80%, ngân sách huyện hỗ trợ 20% để đầu tư xây dựng đường thôn xóm, kiệt, hẻm và giao thông trục chính nội đồng; ngân sách thành phố hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/công trình/thôn để xây dựng mới nhà văn hóa; ngân sách thành phố hỗ trợ 50% chi phí mua con giống lần đầu... Qua 5 năm (2011-2015), thành phố đã huy động 2.411 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện xây dựng nông thôn mới; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các đối tượng thu hút nguồn nhân lực để bố trí công tác tại các xã thuộc huyện Hòa Vang...

 

Các đại biểu tham quan trưng bày những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Hòa Vang. 
Các Sở, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình đều tích cực tham gia giúp người dân xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đóng góp của Bộ CHQS TP Đà Nẵng rất đáng kể khi đã huy động 4.272 lượt cán bộ, chiến sĩ với 37.295 ngày công, xây dựng được 32.728m đường bê tông, nạo vét 1.320m kênh mương... Riêng trong 2 năm (2014-2015), thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh Quân khu 5 về chọn mô hình điểm tham gia xây dựng nông thôn mới, Bộ CHQS TP Đà Nẵng đã đăng ký với UBND huyện Hòa Vang chọn xã miền núi Hòa Bắc hoàn thành thêm 3 tiêu chí nông thôn mới: Tiêu chí giao thông, tiêu chí nhà ở, tiêu chí hộ nghèo và giúp địa phương tiếp tục giữ vững 2 tiêu chí: Tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị; tiêu chí an ninh, trật tự xã hội. Qua việc tham gia xây dựng nông thôn mới, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân ngày càng được tô thắm, tăng thêm tình cảm quân dân gắn bó.

 

Lấy người dân làm chủ thể

Bên cạnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân xây dựng nông thôn mới hiệu quả, chính sự chủ động của người dân huyện Hòa Vang đã giúp bộ mặt vùng quê cách mạng đổi thay. Người dân Hòa Vang ý thức xây dựng nông thôn mới là “cơ hội vàng” để cuộc sống của gia đình và làng xóm tốt đẹp hơn nên không ngần ngại hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, tiền mặt...

Tùy theo khả năng, điều kiện của từng gia đình, các hộ dân và cá nhân đã chủ động tìm ra ngành, nghề phù hợp tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Nhi, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), đúng lúc anh đang thu hoạch nấm sò. Trước đây, anh Nhi làm lao động phổ thông, thu nhập bấp bênh. Được cán bộ nông nghiệp huyện Hòa Vang vận động, anh quyết tâm trồng nấm sò và nấm linh chi từ năm 2014. Hiện nay, trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập ổn định hơn 120 triệu đồng. Anh Nhi cho biết: “Nghề trồng nấm không đòi hỏi chi phí đầu tư quá cao, diện tích lớn và nhân công nhiều, phù hợp với mô hình kinh tế hộ gia đình. Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới nên gia đình tôi đã được các cơ quan của thành phố và huyện tập huấn kỹ thuật, đầu tư vay vốn sản xuất, đầu tư hệ thống phun sương, lò hấp... nên tuy mới trồng nấm nhưng năng suất ổn định, giúp tôi an tâm gắn bó với nghề”.   

Đến xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh vợ chồng ông Trần Trung năm nay đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn ngày ngày chăm sóc 1,5ha trồng ớt xanh đặc sản Đà Nẵng. Thu nhập từ bán ớt xanh cho các thương lái chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng song đây là công việc hợp với tuổi già của hai ông bà. Ông Đặng Xuân Thành, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho biết: “Để đạt các nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã khảo sát tình hình kinh tế, quỹ đất của các gia đình để khuyến khích người dân tham gia sản xuất. Người dân sau khi đã chủ động tìm ra mô hình sản xuất phù hợp, chính quyền xã tiếp tục song hành với người dân trong quá trình sản xuất. Hiện nay trên địa bàn xã Hòa Phong có mô hình trang trại nuôi vịt trời, nuôi gà Ai Cập kết hợp với du lịch sinh thái được thành phố đánh giá cao”.

Không chỉ có tổ chức sản xuất, để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sớm hơn so với dự kiến, bài học kinh nghiệm của TP Đà Nẵng là phải đặt người dân là chủ thể, biết khơi gợi sức dân dựa trên sự minh bạch trong thực hiện chủ trương, chính sách.   

"Nâng tầm" nông thôn mới

Những mô hình sản xuất ở huyện Hòa Vang đã phát huy hiệu quả song trên thực tế tìm hiểu của chúng tôi đầu ra cho một số sản phẩm đang gặp khó. Ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết: “Một số giải pháp huyện Hòa Vang sẽ thực hiện để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đó là: Hỗ trợ khuyến khích các HTX dựng trang web quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng; giúp HTX, các hộ sản xuất xây dựng mối liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị, trường học bán trú trên địa bàn huyện và mở rộng trên thành phố, những bếp ăn tập thể. Hiện tại đa số người tiêu dùng vẫn thường xuyên mua sắm tại các chợ truyền thống, do đó đề xuất kiện toàn hoạt động kinh doanh của 2 quầy hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại chợ đầu mối; đồng thời hỗ trợ 2-3 điểm để bán sản phẩm rau an toàn tại trung tâm thành phố hoặc tại các chợ trung tâm thành phố: Chợ Cồn, chợ Hàn, Chợ Mới”.

Một trong những ngành để phát triển kinh tế của huyện Hòa Vang theo hướng bền vững là phát triển du lịch. Tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Trung ương, của thành phố, huyện Hòa Vang cũng đã từng bước đầu tư phát triển du lịch. Hiện nay, đã có một số công ty khai thác các địa điểm có tiềm năng về du lịch sinh thái trên địa bàn huyện và đi vào kinh doanh hiệu quả như: Khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi, Suối Hoa, Hòa Phú Thành, Suối khoáng Phước Nhơn, Bà Nà Hills... Trong thời gian tới, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài đi vào phục vụ khách du lịch.

Dù đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới song chính quyền huyện Hòa Vang chưa bằng lòng với thành quả đã đạt được. Tháng 3-2016, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục ban hành Bộ tiêu chí xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, gồm 9 tiêu chí, bao gồm: Giao thông; điện; chợ; vườn và nhà ở hộ gia đình; thu nhập; văn hóa, giáo dục, y tế; môi trường; hệ thống chính trị và an ninh, trật tự xã hội; chấp hành pháp luật, quy ước, hương ước của cộng đồng. Trên cơ sở đó, huyện hỗ trợ mỗi thôn 150 triệu đồng, 16/119 thôn được chọn làm điểm đã triển khai họp dân phát động phong trào thi đua xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới. Như vậy, huyện Hòa Vang hướng đến việc vừa phát triển kinh tế vừa xây dựng đời sống tinh thần văn minh, tiến bộ.

 Với ý chí tự lực tự cường vươn lên, chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang đã và đang từng bước vững chắc xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới, đánh thức tiềm năng của vùng quê cách mạng, góp phần vào sự phát triển của TP Đà Nẵng-động lực phát triển của miền Trung-Tây Nguyên.

Theo: qdnd.vn

 Tags: hòa vang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập283
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm282
  • Hôm nay36,706
  • Tháng hiện tại942,808
  • Tổng lượt truy cập91,006,201
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây