Đến thời điểm này, những nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc chống hải sản khai thác bất hợp pháp đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và 28 tỉnh ven biển, công tác chống hải sản khai thác bất hợp pháp đã đạt được kết quả chính là toàn bộ ngư dân, đặc biệt là ngư dân khai thác trên biển đã nhận thức được phải chấm dứt việc khai thác bất hợp pháp.
Qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có công tác tuyên truyền đến ngư dân, đến nay, hầu như không còn tàu cá vi phạm các quốc đảo Thái Bình Dương.
Hiện đã hết thời hạn 6 tháng EC áp "thẻ vàng" đối với các sản phẩm thủy - hải sản xuất khẩu của Việt Nam và sẽ có một đoàn của EC sang kiểm tra tình hình thực tế, vậy Bộ NN&PTNT cũng như Tổng cục Thủy sản đã chuẩn bị cho việc này như thế nào?
Dự kiến từ ngày 16 - 23/5, đoàn Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC. Hiện, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cùng với 28 tỉnh ven biển chuẩn bị công tác tiếp đón đoàn. Tổng cục Thủy sản trên cơ sở rà soát toàn bộ hồ sơ đã có và những công việc đã thực hiện từ ngày 23/10/2017 đến nay và có các văn bản chỉ đạo 28 tỉnh cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội hoàn thiện công việc trước ngày 23/4.
Các địa phương chỉ đạo những cơ sở, cảng cá hoàn thiện thiếu sót mà EC đã khuyến nghị. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý tàu cá, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trên biển cũng như tại cảng. Đặc biệt là các hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận, chứng nhận các sản phẩm khai thác thủy sản trên biển.
Với những kết quả mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua, ông có kỳ vọng gì với phán quyết của EC sau đợt kiểm tra sắp tới?
Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân kỳ vọng sẽ gỡ được "thẻ vàng".
Chúng ta khẳng định, về cơ bản, từ Chính phủ, Bộ NN&PTNT đều hướng đến phát triển nghề cá bền vững, vừa gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi, quản lý tốt các tàu cá, hướng tới nâng cao giá trị gia tăng. Do đó, ngoài thực hiện 9 khuyến nghị của EC, đây là việc phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 78/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Luật Thủy sản (mới) cũng hướng tới cải thiện nghề cá để khai thác bền vững, phù hợp với thông lệ của các tổ chức trong khu vực và thế giới.
Theo ông, khó khăn nhất trong công tác kiểm soát và quản lý tàu cá là gì?
Hiện nay, chúng ta có khoảng 109.000 tàu cá, trong đó, số lượng tàu khai thác xa bờ khoảng 28.000 tàu. Tuy nhiên, chúng ta mới lắp được thiết bị giám sát hành trình cho khoảng 13.0000 tàu.
Theo tôi, khó khăn nhất là kinh phí. Khi có kinh phí và triển khai lắp đặt hết thiết bị giám sát hành trình mới kiểm soát được tàu cá trên biển. Và như vậy, mới hoàn toàn yên tâm với việc quản lý chống khai thác bất hợp pháp.
Tổng cục Thủy sản đã trình Thủ tướng Chính phủ dự án thông tin giai đoạn 2, theo đó tiếp tục đầu tư nâng cấp 29 trạm bờ dọc theo 28 tỉnh ven biển. Bên cạnh đó, đã xây dựng xong dự án lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Xin cảm ơn ông!