Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu thế hội nhập phát triển, là giải pháp công nghệ hiệu quả tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở chuyển nhanh nên nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
TS. Trần Văn Khởi - Quyền giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Ưu điểm của nông nghiệp ứng dụng CNC là giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu do đó mở rộng quy mô và thời gian sản xuất trong năm, giúp cây trồng vật nuôi có điều kiện phát triển thuận lợi, giảm sâu bệnh hại, quản lý nước và dinh dưỡng để tạo đột phá về năng suất, giảm công lao động và chi phí đầu vào sản xuất hợp lý nên tăng hiệu quả kinh tế...
Ông Khởi cho rằng, đối với vùng DHNTB có điều kiện đất đai, khí hậu khó khăn cho sản xuất ngông nghiệp hơn so với các vùng khác, trong khi nhu cầu phát triển đô thị, khu công nghiệp, dân số tăng nhiều nên yêu cầu lượng nông sản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng tốt hơn và ưu tiên được sản xuất tại chỗ trong vùng. Vì thế, con đường phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là tất yếu và trở nên cấp thiết hơn.
Xuất phát từ thực tiễn của Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB), công nghệ lai tạo giống cây trồng có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử, công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào và công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón hữu cơ là các hướng được ưu tiên lựa chọn trong sản xuất nông nghiệp CNC cho vùng.
Theo đó, các giải pháp để thực hiện gồm: Rà soát tiềm lực các phòng thí nghiệm sinh học phân tử ở các Viện và Trường Đại học trong vùng có nhiệm vụ chọn giống cây trồng mới để nông cấp đầu tư chuyên sâu...; tập trung ưu tiên cải tiến các hạn chế về khả năng chống chịu và chất lượng đối với các giống cây trồng đã thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu và tập quán sản xuất hiện nay của các tỉnh, thành vùng DHNTB; thống kê các phòng nhân giống invitro của toàn vùng, đào tạo và chuyển giao công nghệ nhân giống cho các đối tượng cây trồng chủ lực hiện có.
Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ cây giống từ nuôi cấy tế bào thực vật; rà soát nâng cao tiềm lực và đầu tư nghiên cứu để chuyển đổi phương thức sản xuất phân hữu cơ từ nguồn nguyên liệu hóa thạch sang từ phế thải chăn nuôi và trồng trọt đối với các nhà máy sản xuất phân hữu cơ hiện có trong vùng.
Duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích đất tự nhiên trên 4,42 triệu ha; trong đó, đất nông nghiệp chiếm 18,7%, đất lâm nghiệp 39,4%, đất hoang hóa chưa sử dụng và sông suối là 35,1%. Khí hậu của vùng mang đậm nét khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm với 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô.
Cũng như các vùng khác trong cả nước, mặc dù đối tượng cây trồng ở vùng DHNTB đa dạng nhưng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất còn thấp so với tiềm năng. Nguyên nhân được xác định cơ bản là do giống sử dụng trong sản xuất vẫn còn hạn chế về khả năng chống chịu sâu bệnh hại và độ đồng đều của sản phẩm sau thu hoạch chưa cao. Chính vì vậy, việc tiến đến sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC là yêu cầu tất yếu của vùng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp CNC.