Tại buổi họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính ngày 25/5, hai vấn đề nóng là dự án đầu tư công “đội vốn” và giải ngân dự án công chậm đã được các đại diện Bộ Tài chính thẳng thắn nhìn nhận.
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân nhiều dự án đầu tư bị "đội vốn" nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, đại diện Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng đã quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án.
Theo đó, đối với dự án đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố là người quyết định đầu tư. Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhìn nhận, giải pháp đầu tiên là tính kiên quyết trong khâu chỉ đạo, một khi người đứng đầu các cấp thể hiện tính quyết liệt, sẽ hạn chế được tình trạng như vừa qua. Đặc biệt bắt đầu từ năm 2017, với tinh thần chỉ thị 1792 và sau này cụ thể hóa trong Luật đầu tư công, số lượng mức độ đã hạn chế nhiều. Do đầu tư là quá trình không thể năm trước năm sau giải quyết được, nhưng theo đánh giá xu thế này đã giảm đi rất nhiều.
Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công chậm, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính cho biết, từ trước năm 2015, việc giải ngân vốn vay ODA và vốn ưu đãi không dựa trên dự toán Quốc hội giao mà dựa trên tiến độ triển khai dự án.
Kể từ năm 2016, giải ngân nguồn vốn này phải theo đúng dự toán đã được Quốc hội giao. Tuy nhiên, khi áp dụng trên thực tế thì nhiều chủ dự án vẫn “quen” giải ngân theo tiến độ mà không dựa vào dự toán. Vì vậy, việc triển khai không đúng tiến độ như dự toán, trong quá trình triển khai đã phải điều chỉnh.
Trong khi đó, theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh dự toán là rất khó, vì không thể có cơ chế chuyển vốn giải ngân chậm của địa phương này sang địa phương khác, từ bộ này sang bộ khác, ngay cả chuyển trong cùng một bộ cũng rất khó.
Do đó, cần thắt chặt việc giải ngân theo dự toán. Đồng thời, Luật Quản lý nợ công cũng có hiệu lực từ tháng 7 tới đây và các nghị định đang được xây dựng, sẽ góp phần giải quyết các vướng mắc hiện nay./.
Phải luân chuyển cán bộ trì trệ, “ngâm” hồ sơ giải ngân đầu tư công