Hộ khá, giàu tăng nhanh
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Lộc An, sau 4 năm xây dựng NTM, xã Lộc An đã hoàn thành 16 tiêu chí, trong đó các tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, y tế, thuỷ lợi.
Trong những năm qua, người dân xã Lộc An đã đóng góp gần 10 tỷ đồng, trên 3.000 m2 đất, hơn 20.000 ngày công lao động để cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp 23 km đường giao thông và 32 km đường điện thắp sáng nông thôn; sửa chữa, nâng cấp một số công trình phòng học; đưa điện lưới về phục vụ SX và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, người dân còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng mới 450 căn nhà, chỉnh trang khuôn viên, hàng rào; đào 125 ao tưới tiêu cho cây trồng; chuyển đổi ghép 751 ha cà phê và 20 ha chè năng suất cao…
Thu nhập bình quân năm 2013 của người dân trong xã đạt 30 triệu đồng/người/năm; số hộ khá, giàu tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 3,17%, giảm 6% so với năm 2010.
Hiện nay, người dân ở Lộc An chuyển đổi sang cà phê ghép, cao sản
Ông Võ Hữu Hỷ, Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Lộc An, cho biết, để đạt được kết quả trên là nhờ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận cao của người dân địa phương trong việc hưởng ứng tích cực các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Dân vận khéo” và “Tuổi trẻ chung sức xây dựng NTM”.
Riêng năm 2013, xã đã thực hiện tốt kế hoạch đề ra trong việc xây dựng NTM, đó là hoàn thành 3 tiêu chí gồm: chợ, trường học và cơ cấu lao động với sự hưởng ứng và tham gia đóng góp vốn của người dân.
Với kết quả đạt được, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tặng bằng khen cho nhân dân và cán bộ xã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2013.
“Sau 4 năm xây dựng NTM, chúng tôi nhận thấy bộ mặt NTM đã hiện hữu trên từng con đường, ngõ xóm và hơn hết là đời sống người dân ngày càng khấm khá. Hiện nay, toàn xã có 2.100/3.200 ha cà phê ghép, cao sản và 600/800 ha chè được chuyển đổi sang giống chè cành, do vậy giá trị SX trên 1 ha đất canh tác được nâng lên, trung bình 1 ha người dân thu nhập 100 triệu đồng”, ông Hỷ chia sẻ.
Tổ hợp tác
Để nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế bền vững, hiện nay trên địa bàn xã Lộc An có 2 tổ hợp tác SX gồm 1 tổ hợp tác chăn nuôi và 1 tổ hợp tác trồng trọt và 6 nhóm liên kết giúp nhau làm kinh tế tại các thôn 1,5,6,9.
Ông Võ Hữu Hỷ: "Trong năm 2014, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân. Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện mở 4 lớp dạy về đan với 85 học viên và 1 lớp đào tạo sửa chữa nông cụ cho các hội viên nông dân. Đồng thời phối hợp chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi với 5 lớp thông qua các buổi hội thảo". |
Qua tìm hiểu các tổ hợp tác, nhóm liên kết hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần hỗ trợ vốn phát triển kinh tế của các thành viên tham gia, giúp các thành viên có điều kiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, hình thức SX.
Ông Lê Đức Vinh, trưởng thôn 6, cho biết, nhờ thành lập các tổ hợp tác mà bất cứ phong trào, mô hình, hoạt động nào khi triển khai về khu dân cư, được các tổ hợp tác này bắt tay thực hiện đều có hiệu quả.
Cụ thể, trong phát triển kinh tế gia đình, các thành viên tổ hợp tác hỗ trợ nhau về KHKT trên cà phê để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập bằng cách ghép cải tạo. Với diện tích 300 ha cà phê, đến nay toàn thôn đã có hơn 90% diện tích cà phê ghép, năng suất bình quân ước đạt 4,5 tấn nhân/ha.
Còn anh Đinh Văn Hiến, tổ trưởng tổ hợp tác Đoàn Kết thôn 5, cho hay, việc lấy tên tổ hợp tác Đoàn Kết là bởi muốn mọi thành viên phải thống nhất và đồng lòng trong mọi việc. Mặc dù, phương tiện SX là tài sản riêng, nhưng khi cần, tất cả các thành viên trong tổ đều sử dụng chung. Kinh nghiệm áp dụng tiến bộ KHKT được các thành viên tiếp cận, chia sẻ với nhau và cùng thử nghiệm. Nhờ vậy các thành viên đã cùng nhau vươn lên làm giàu.
Anh Nguyễn Duy Thành, một thành viên của tổ Đoàn Kết, hiện có 6,5 ha cà phê giống mới, cho thu nhập hằng năm trên dưới 500 triệu đồng. Gặp chúng tôi, anh Thành cho biết, trước kia gia đình anh vốn là hộ nghèo nhưng nhờ tham gia tổ hợp tác đã giúp gia đình anh tiếp cận được nguồn vốn, kỹ thuật canh tác nên giờ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Kim Sơn
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã