Trong câu chuyện với Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Ðộng Phạm Văn Thịnh, người được coi là "đầu tàu" cùng thanh niên phát triển kinh tế, chúng tôi cũng phần nào hiểu thêm cách làm kinh tế rất đặc trưng ở đây. "Là huyện nghèo, kinh tế chủ yếu là lâm nghiệp, nhưng trồng rừng không thể xóa đói nghèo ngay được mà phải phát triển ngành nghề, cây, con khác thế chân trước mắt. Nhưng kẹt là không có vốn, không biết tìm đâu ra nơi để vay tiền. Rồi còn cây, con, giống, kỹ thuật, nơi tiêu thụ..., tất cả những thứ ấy "bó" buộc tư duy của các bạn trẻ. Tiếp xúc với thanh niên, tôi mới nhận ra rằng đó là cái thiếu, cản trở khát vọng làm giàu của họ. Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của UBND huyện, tôi bắt tay triển khai ngay". Từ bảy người làm mô hình thí điểm ban đầu, đến nay huyện Sơn Ðộng đã có hơn một trăm mô hình thanh niên lập nghiệp và nhiều thanh niên khác góp sức lực, kiến thức cùng gia đình vượt qua nghèo khó.
Những mô hình kinh tế của thanh niên Sơn Ðộng không chỉ là cây, con gắn với đặc điểm thổ nhưỡng địa phương, mà còn hướng đến sản phẩm chất lượng cao, giá trị lớn như nuôi lợn rừng, thỏ, bò thịt, trồng nấm, nuôi ong mật... Ðã có hộ có thu nhập tiền tỷ từ mô hình rừng - ong. Sự bền vững, ổn định của các mô hình sản xuất ở Sơn Ðộng khẳng định quan điểm của huyện hướng đến thanh niên là đúng.
Cùng các cán bộ huyện Sơn Ðộng đi thăm những mô hình thanh niên lập nghiệp, mới thấy phong trào rộng khắp các xã trong huyện. Tiêu biểu như Ngọc Văn Viên, người đầu tiên phát triển mô hình nuôi tắc kè ở xã Long Sơn; mô hình kinh doanh tổng hợp của Lâm Ngọc Huy ở thị trấn An Châu; mô hình nuôi dê của Vi Văn Nghị ở xã Hữu Sản; mô hình kinh doanh dịch vụ cơ khí của Ðàm Xuân Thương ở xã Cẩm Ðàn, Vi Văn Công ở xã An Châu... Hầu hết đều vươn lên làm giàu bằng chính khả năng, sức lao động trên mảnh đất quê hương mình.
Chị Nguyễn Thị Mách, Chủ nhiệm CLB chăn nuôi thỏ xã An Châu cũng bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Với ý chí vươn lên vượt khó, cộng với sự giúp đỡ về vốn của ngân hàng, chị đầu tư nuôi thỏ thương phẩm. Mày mò tìm hiểu qua bạn bè, người đi trước và cả trên in-tơ-nét, mô hình của chị Mách bước đầu đạt kết quả tốt. Ðến nay, chị đã mở rộng quy mô chăn nuôi thỏ của gia đình lên hơn 300 con, bình quân mỗi tháng gia đình xuất bán hơn một tạ thỏ thịt thương phẩm, trừ chi phí còn lãi bốn, năm triệu đồng. Từ thành công của gia đình chị Mách, nhiều hộ dân ở xã An Châu học tập làm theo, tập hợp thành một câu lạc bộ cùng tiến, có chung nguồn giống cũng như đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ðến nay, nuôi thỏ trở thành một trong những hướng thoát nghèo, làm giàu chủ lực của xã An Châu, huyện Sơn Ðộng.
Tuấn Ðạo là xã "đầu tàu" trong triển khai xây dựng nông thôn mới của huyện Sơn Ðộng, lại có những cách làm vượt khó của thanh niên dựa trên điều kiện sẵn có ở địa phương. Không chỉ nhận chăm sóc và bảo vệ rừng, nhiều người đã tổ chức sản xuất những loại cây, con có thể phát triển dưới tán rừng cho thu nhập cao như nuôi ong, chăn nuôi bò, dê, trồng ba kích tím... Mỗi loại hình được tổ chức thành nhóm, thường xuyên có sự chia sẻ, giúp đỡ nhau từ kinh nghiệm đến giống, vốn cũng như kỹ thuật chăm sóc. HTX nuôi ong Tuấn Ðạo có gần 30 xã viên thì một nửa là thanh niên, rất năng động và chịu khó bổ sung cho kinh nghiệm của số xã viên lớn tuổi. Theo chủ nhiệm HTX Nguyễn Ðức Minh, hiện HTX có khoảng 3.000 đàn ong, mỗi năm cho thu 60 nghìn lít mật, trị giá 600 triệu đồng. Những mô hình như thế đồng nghĩa với việc có thêm nhiều hộ kinh tế khá, góp sức không nhỏ đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã. Hiện nay, Tuấn Ðạo đã hoàn thành 13 trong 19 tiêu chí nông thôn mới, là đơn vị dẫn đầu của huyện Sơn Ðộng trong phong trào ý nghĩa này.
Quá trình vươn lên bằng nội lực để thoát nghèo, làm giàu ở huyện nghèo Sơn Ðộng đã ghi nhận vai trò không thể thiếu của sức trẻ địa phương. Hiện nay, toàn huyện đã có hàng trăm đoàn viên, thanh niên có thu nhập đạt từ 40 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng, bình quân thu nhập hằng năm đạt hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách, toàn huyện có 1.150 thanh niên được vay vốn với tổng dư nợ hơn 30 tỷ đồng. Mặc dù nguồn vốn tới từng cá nhân còn ít nhưng thật sự đó là những đồng vốn thoát nghèo vô giá đối với những thanh niên vùng cao mong muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.
Thành công của những mô hình làm kinh tế thanh niên lập nghiệp ở Sơn Ðộng mới chỉ là kết quả bước đầu, trước khi được nhân rộng hơn nữa, như "tham vọng" của đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Ðộng Phạm Văn Thịnh: "Vẫn còn nhiều bạn trẻ mong muốn được trợ giúp để lập nghiệp, để vượt khó mà nguồn vốn của huyện có hạn. Nhưng cũng từ đó mà các bạn trẻ hình thành những tổ, nhóm giúp nhau cùng tiến, san sẻ kinh nghiệm, giống, vốn để có cơ hội xóa nghèo. Phát triển kinh tế hộ gia đình trong thanh niên được xác định là một biện pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Ðó sẽ là động lực, là đòn bẩy để Sơn Ðộng sớm vươn lên, vượt qua nghèo khó...".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã