Học tập đạo đức HCM

Lý Nhơn - ngọt ngào ruộng muối

Chủ nhật - 20/04/2014 22:09
Cho đến thời điểm này, TP.HCM đã có 52/56 (gần 93%) xã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ bước đi lúng túng buổi đầu, đến nay người nông dân ở ngoại thành TP.HCM đã dần đón nhận thành quả của chương trình “Dân biết, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Con đường vào xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ uốn quanh, tất cả đều rải nhựa, đổ bê tông hoặc cấp phối sỏi. Hai bên đường là những ngôi nhà khang trang, vườn tược sum suê, tươi mát. Tuyến đường ra ruộng muối Tân Điền đã có cầu bắc ngang, các diêm dân không còn phải chờ đò, đợi lái…

Anh Nguyễn Minh Tuấn đang chăm sóc hai chú dê vừa ra đời sáng ngày 18/3/2014 ở trang trại của mình

NƠI HẠT MUỐI TỪNG MANG VỊ ĐẮNG

Cách đây gần 10 năm, mỗi lần nhắc về Lý Nhơn, nhiều người không khỏi xót xa: Dân tình sao khổ quá, nuôi tôm thì thất mùa, làm muối thì rớt giá, chẳng có người thu mua; đất đai cằn cỗi, bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, lúa lên không nổi. Biết bao nông dân phải khóc ở cánh đồng của mình… Hôm nay, trên cánh đồng ấy, chúng tôi bắt gặp những nụ cười của nông dân, diêm dân vào vụ bội thu.

Anh Trần Văn Ê, 53 tuổi, kể: “Lúc đó, như bao diêm dân khác, tôi làm muối theo kinh nghiệm cha truyền con nối, cứ lệ thuộc mưa nắng thất thường, nhiều vụ thu hoạch không được một nửa chi phí bỏ ra, khi bội thu thì muối trắng đồng, không bán được. Đi bán muối cũng gian nan, có lúc dùng thuyền, lúc đẩy từng bao trên xe đạp…”. Nhưng đầu năm 2008, việc làm muối được Lý Nhơn “định hình” lại. Trạm khuyến nông của huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, thí điểm mô hình trải bạt, vừa tăng chất lượng hạt muối, vừa tránh thất thoát khi thu hoạch. Sau hai ba mùa muối làm theo kỹ thuật mới, nhiều nông dân như anh Ê đã có thu nhập khác biệt so với trước. Anh Ê nói: “Thật vui là đầu ra được cán bộ kinh tế xã giới thiệu, bao tiêu”.

Nhiều nông dân ở Lý Nhơn đã được cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới để áp dụng trồng trọt, chăn nuôi. Các lớp tập huấn miễn phí đã tổ chức ngay tại trại chăn nuôi, nơi sản xuất của các hộ gia đình. Các nông dân rất dễ tiếp thu “bài vở” nhờ những buổi “hội thảo đầu bờ”. Từ đó, những tổ hợp tác sản xuất làm muối, nuôi tôm, nuôi heo… được hình thành.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tiệm luôn được con cháu thăm hỏi ân cần

ĐỔI THAY

Toàn xã Lý Nhơn có 1.544 hộ với 5.923 nhân khẩu. Chị Phạm Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã kể: “Xã được như ngày hôm nay là nhờ những người đàn ông biết làm trụ cột, những người phụ nữ đảm đang, vén khéo”. Theo chân chị, chúng tôi đi thăm các hộ nông dân điển hình sản xuất giỏi của Lý Nhơn. Bất ngờ nhất là vào giờ chuẩn bị cơm trưa, có “trụ cột” lại đứng ở bếp chiên xào, nấu nướng. Anh Nguyễn Minh Tuấn (SN 1974, nhà ở tổ 1, ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn) đang xào rau chuẩn bị bữa cơm trưa gia đình, nói: “Ở đây ít ai phân biệt chuyện nhà hay chuyện xã hội mà là phân công hợp lý. Sáng sớm, vợ tôi xắn quần xuống ruộng tôm để xả lợp bắt tôm, cá về. Tôi và con trai lớn ra chuồng lùa bầy dê ra đồng. Giờ, con trai tôi đang lùa bầy dê về, vợ tôi đi mua thức ăn cho tôm, tôi ở nhà nấu cơm”.

Anh Trần Chí Thành (SN 1983) cho biết: “Việc ở ruộng muối cực lắm, một người làm không xuể, nên hai vợ chồng tôi phải cùng nhau ra đồng. Buổi trưa, nếu thấy vợ mệt, tôi về trước để nấu cơm, cô ấy vào chòi nghỉ, chờ tôi mang cơm ra”. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Lý Nhơn đều “phân công lao động” như vậy. Điều đáng quý là nhiều gia đình vẫn duy trì nếp sống truyền thống, ba bốn thế hệ chung một mái nhà, tôn ti trật tự, lễ nghĩa được gìn giữ.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tiệm, nay đã 93 tuổi cho biết: “Nếp nhà được người Lý Nhơn coi trọng lắm; tuy bây giờ có “chế” lễ nghĩa cho con cháu, để chúng lo làm ăn. Ngày xưa, ở nhà trồng cây gì, nuôi con gì, người cha, người ông cao tuổi nhất trong nhà quyết định. Nhưng sau này, lớp trẻ tiến bộ, phải nghe theo chúng”. Mẹ Tiệm đang sống với vợ chồng người con trai thứ sáu, và cháu nội cùng một cháu bé gọi mẹ bằng bà cố. Cuối tuần, con cháu của mẹ lại tề tựu về gặp gỡ, tổ chức ăn uống, trò chuyện.

Ảnh: Quốc Duy

Khi vùng đất này chưa “mở cửa”, đường qua xã nhiều chỗ còn phải lụy đò. Thời điểm đó, Lý Nhơn có hơn 200 hộ không đăng ký kết hôn, hơn 500 đứa trẻ đến tuổi đi học nhưng chưa có giấy khai sinh, nhiều người trưởng thành không có chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Trong 5 năm (2004-2009), xã đã làm lại giấy tờ tùy thân cho hơn 500 nhân khẩu và giúp hơn 200 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn. Chị Phạm Thị Liên, ấp Lý Hòa Hiệp kể: “Hồi đó cưới nhau bốn năm, có hai mặt con rồi mà khi giận anh ấy cứ dọa bỏ đi, còn thách thức không có giấy tờ làm gì được nhau… Sau đó, các cô vận động đăng ký kết hôn, tổ chức những buổi giảng giải, ảnh không còn “làm khó” tôi nữa”. Chị Hồ Thị Đẹp ở ấp Tân Điền nhớ lại: “Hai đứa con sinh ra, chẳng được khai sinh, đến khi một thằng chuẩn bị lấy vợ, cả nhà tôi tá hỏa, nó không đăng ký kết hôn được… Cũng may là ủy ban xã “gỡ” cho”.

***

Mới đây, xã Lý Nhơn tiếp tục được UBND huyện Cần Giờ và UBND TP.HCM chọn làm điểm mô hình không có tệ nạn xã hội. Ông Lê Phước Hồng - Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn chia sẻ: “Lý Nhơn vốn trọng nghĩa xóm, tình làng. Những năm đầu xây dựng Lý Nhơn thành xã NTM, chúng tôi rất băn khoăn nhưng khi triển khai, hầu như toàn dân đồng lòng, ủng hộ. Nhiều người dân hiến đất làm đường, thậm chí đã có người hiến hơn 10.000m2".

Những câu chuyện về "vị đắng" của muối Lý Nhơn giờ đã dần lùi xa.

Nghi Anh
Nguồn phunuonline.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Quyết định số 633/QĐ-UBND

Về việc kiện toàn BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Kế hoạch số 89/KH-VPĐP

Kế hoạch Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh năm 2025

Báo cáo 56/VPĐP-HCTH

Báo cáo kết quả công tác tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Kế hoạch số 47/VPĐP-KH

Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới

Kết luận số 178-Kl/TU

Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập202
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay49,598
  • Tháng hiện tại1,633,216
  • Tổng lượt truy cập98,861,397
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây