Nông thôn mới xã Hải Hưng (Hải Hậu - Nam Định) Mỗi Ban CTMT đã chủ trì tới 4-5 cuộc họp dân PV: Được biết, giai đoạn đầu Nam Định có tới 96/209 xã, thị trấn triển khai xây dựng nông thôn mới (XD NTM), không ít địa phương đã "cán đích”. Góp phần làm nên kết quả này, Mặt trận Nam Định đã có những hoạt động gì, thưa ông? Ông Bùi Tân Tiến: XD NTM được xác định là nhiệm vụ chung, cần nhiều nguồn lực, trên hết là sự đồng thuận. Với vai trò, chức năng của mình, ngay từ khi chương trình được triển khai, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tham gia chủ động, tích cực. Chúng tôi xây dựng, phát động phong trào "Xây dựng khu dân cư 5 không gắn với thực hiện 19 tiêu chí XD NTM”; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, giúp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, cơ chế thực hiện. Đến nay, cùng với các kênh tuyên truyền khác, công tác tuyên truyền của Mặt trận đã giúp đa số cán bộ, người dân ở các khu dân cư trong tỉnh hiểu rõ NTM là chương trình được thực hiện theo cơ chế "nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” và theo quy trình "làm từ đồng về nhà, từ nhà lên xã”, đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Tính ra, liên quan đến XD NTM, mỗi Ban CTMT đã chủ trì tới 4-5 cuộc họp dân, với phương châm chung mọi việc chỉ thực hiện khi có sự đồng thuận của đa số người dân. Người dân ủng hộ bằng việc không nhận đền bù Trên thực tế, sự đồng thuận của nhân dân Nam Định trong XD NTM đã được thể hiện như thế nào, thưa ông? - Triển khai XD NTM, Nam Định chọn thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) làm khâu đột phá. Đây là khâu khó, phức tạp, dễ phát sinh mâu thuẫn nhưng không thể không làm. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh đã có tới 167/200 xã, thị trấn; 2832/3009 thôn, đội thực hiện hoàn thành công tác DĐĐT, đó là thể hiện rõ nhất. Quá trình thực hiện cũng có nơi này, nơi kia để phát sinh mâu thuẫn song đó chỉ là những hiện tượng cá biệt, riêng lẻ. Sự đồng thuận còn thể hiện qua việc thời gian qua nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện góp, hiến trên 3000 ha đất nông nghiệp, đất thổ cư; đóng góp trên 1.135 tỷ đồng (chiếm 18,17% trong số hơn 6.250 tỷ đồng vốn XD NTM tỉnh huy động được) cho mục đích XD NTM. Cần nói thêm, ở Nam Định một số tuyến tỉnh lộ, quốc lộ đi qua như Dây Nhất, 37B, 38B… đều đã và đang được xây dựng theo cơ chế "nông thôn mới”, nghĩa là người dân ủng hộ bằng việc không nhận đền bù khi giải tỏa mặt bằng. Như ông vừa đề cập, nhiều nguồn lực đã và đang được Nam Định huy động phục vụ XD NTM. Để hạn chế các sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện, vai trò giám sát cộng đồng ở Nam Định đã được thể hiện ra sao, thưa ông? - Chúng tôi đánh giá giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) là mô hình giám sát rất hiệu quả vì phát huy được vai trò, trách nhiệm của mọi người dân. Chính vì vậy, ngay sau khi tỉnh triển khai chương trình XD NTM, Mặt trận tỉnh đã hướng dẫn Mặt trận 96 xã, thị trấn thực hiện XD NTM giai đoạn đầu thành lập Ban GSĐTCCĐ, đến nay thành lập thêm ở 186/229 xã, thị trấn. Gần 2000 thành viên các Ban GSĐTCCĐ đều là cán bộ Mặt trận, các đoàn thể, người có trình độ, uy tín trong cộng đồng. Từ thực tế giám sát gần 1.300 công trình cho thấy, các công trình có sự giám sát của cộng đồng chất lượng thực hiện đảm bảo hơn, việc quản lý chặt chẽ hơn, sai phạm ở một số công trình được kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý … Đảm bảo các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích Để đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào kết quả XD NTM ở địa phương, nhiệm kỳ tới Mặt trận Nam Định sẽ tập trung vào các hoạt động gì, thưa ông? - Chúng tôi xác định tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giúp cán bộ, nhân dân trong tỉnh, nhất là ở các xã, thị trấn chuẩn bị triển khai XD NTM hiểu rõ chủ trương, chính sách, cơ chế XD NTM. Vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt ủng hộ, đóng góp trí tuệ, vật chất tham gia thực hiện. Cùng với đó, chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban GSĐTCCĐ, qua đó phát huy vai trò của cộng đồng trong giám sát thực hiện, nhất là giám sát các công trình có sử dụng nguồn vốn do cộng đồng đóng góp, đảm bảo các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả… Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Duy Hưng (thực hiện) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã