Hơn 400 hộ dân tình nguyện hiến đất
Ba Trại là xã miền núi có diện tích tự nhiên trên 2.018,28ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 260ha; dân số trên 14.000 với 3.600 hộ. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2014 đạt 18 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,7%.
Nông dân xã Ba Trại thu hái chè búp tươi. Ảnh: Chu Đình Lập
Từ nay đến năm 2020, xã Ba Trại tiếp tục định hướng diện tích sản xuất chè khoảng 430ha, giữ vững thương hiệu chè Ba Trại với năng suất đạt 8 tấn/ha trở lên; tiếp tục cải tạo vườn, chuyển đổi cây trồng với các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, mít lai, nhãn… Phấn đấu thu nhập từ trồng trọt đạt bình quân 70 tỷ đồng/năm.
|
Trong những năm qua, được sự quan tâm của TP.Hà Nội, 14 xã vùng dân tộc của thành phố đã được đầu tư nguồn vốn lên tới 1.327 tỷ đồng cho nâng cấp hạ tầng, trong đó có xã Ba Trại. Có mặt tại địa phương thời điểm này, có thể nhận thấy đổi thay rõ nét từ những con đường bê tông kiên cố dần thay thế đường đất trước đây; hệ thống điện lưới quốc gia đã được phủ khắp núi đồi. Hai bên đường, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà mới mọc lên vừa rộng rãi, vừa khang trang…
Ông Nguyễn Đức Dần – Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết, có được kết quả này là nhờ Chương trình xây dựng NTM tại địa phương đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Do làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông thôn xóm và các công trình phúc lợi. Điển hình phải kể đến con đường xóm Đầm Trùng, thôn 2 dài 650m, rộng 3m trước đây giờ đã được mở rộng gấp đôi, bê tông hóa vừa sạch đẹp, vừa đi lại thuận lợi.
Ông Dần cho biết, để mở rộng tuyến đường này, 35 hộ dân đã tự nguyện hiến trên 2.000m2 đất ven đường, điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Sửu (người dân tộc Mường) đã tình nguyện hiến gần 100m2 đất; bà còn vận động con cháu tự tháo dỡ tường bao, hàng rào và các công trình phụ trợ để xã làm đường đẹp hơn, to rộng hơn…
Đặc biệt, với sự vào cuộc của lãnh đạo xã, sự tham gia vận động của các hội viên Hội Cựu chiến binh, tiếng nói của những người có uy tín trong cộng đồng, thời gian qua trên toàn xã đã có hơn 400 hộ dân tình nguyện hiến đất, với diện tích hiến lên tới 25.000m2; tháo dỡ 3.700m tường bao…
Xây dựng vùng chè VietGAP đặc sản
Tính đến cuối tháng 3.2017, xã Ba Trại đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí. Với mục tiêu đưa xã về đích NTM trong năm 2017, địa phương đã chủ động bố trí nguồn ngân sách trên 18 tỷ đồng nhằm hoàn thành 5 tiêu chí cơ bản đạt: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học và môi trường. Đồng thời, tập trung phát triển, mở rộng ngành nghề sản xuất, chế biến nông sản, đặc biệt là chè sạch và chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng thu nhập cho người dân…
Ông Dần cho biết, đời sống của người dân xã Ba Trại chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó nguồn thu chính là từ cây chè (451ha) với 9/9 thôn đều làm nghề sản xuất và chế biến chè búp khô. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3 - 5% nhưng Ba Trại vẫn là một xã nghèo của huyện Ba Vì, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, nông sản làm ra chưa có chỗ đứng tốt trên thị trường. Để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, Ba Trại đang tập trung phát triển các làng nghề sản xuất chè theo hướng an toàn.
Theo đó, từ năm 2014, xã đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất và chế biến chè Ba Trại, triển khai tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về quy trình thâm canh chè theo hướng VietGAP, đưa cơ giới hoá vào sản xuất chè an toàn và thay thế dần giống chè trung du lá nhỏ đã già cỗi, đồng thời triển khai xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn… xã phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh tế trên vùng đất đồi gò với thu nhập đạt bình quân 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Để đạt mục tiêu sản xuất chè sạch, tạo uy tín cho sản phẩm chè xanh Ba Trại, bà con nông dân trong vùng tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, kích thích sinh trưởng. Chính quyền xã còn phát sổ nhật ký đồng ruộng cho từng gia đình làm chè để thuận tiện theo dõi chăm sóc đồi chè. Nhật ký đồng ruộng ghi rõ ngày nào phun thuốc, phun loại gì, ngày hái, số ngày cách ly... Đồng thời, xã cũng thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt "6 điều phải làm và 6 điều không được làm" trong quá trình canh tác. Điều đáng mừng là Ba Trại đã có 16ha chè được Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Nguyễn Huy Hoàng (xóm Đô, xã Ba Trại) có 0,7ha chè, cho biết, nhà anh có 0,2ha chè được thụ hưởng từ dự án thâm canh theo hướng VietGAP. Từ khi trồng chè theo quy trình này, chi phí của gia đình giảm mà năng suất chè vẫn tăng, chất lượng búp đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường.
Thu Hằng
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã