Thay đổi diện mạo nông thôn Đánh giá về những thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Trần Ngọc Hổ cho biết, đến tháng 10-2016, thành phố đã có 54/56 xã đạt chuẩn NTM. Riêng hai xã thuộc huyện Bình Chánh là Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, còn thiếu hai tiêu chí và đang phấn đấu hoàn thành. Ba huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015. Hai huyện còn lại (Bình Chánh và Cần Giờ) đang hoàn tất hồ sơ, nội dung theo tiêu chí huyện NTM trình Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, thẩm định. Từ khi triển khai chương trình đến nay, thành phố đã tập trung huy động nguồn lực, phát động phong trào "Thành phố chung sức xây dựng NTM", với tổng kinh phí hơn 47 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ cộng đồng hơn 37 nghìn tỷ đồng (chiếm 77,3%); hơn 19.650 hộ dân hiến hơn 2 triệu m2 đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, quy giá trị khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng. Theo đó, đã xóa gần 3 nghìn căn nhà tạm, dột nát, sửa chữa gần 700 căn nhà, xây mới hơn 2,2 nghìn căn nhà và hỗ trợ công tác an sinh xã hội với tổng kinh phí hơn 98,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân hộ gia đình tại 56 xã đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm. Chương trình xây dựng NTM đã thật sự góp phần tích cực nâng cao hiệu quả đầu tư của thành phố trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác đạt từ 158 triệu đồng/ha/năm vào năm 2010, tăng lên 375 triệu đồng/ha/năm trong năm 2015 (tăng 2,4 lần so với năm 2010). Từ việc quan tâm tạo môi trường và thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp huy động mọi nguồn lực trong dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất. Cụ thể, ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Giai đoạn 2011 - 2015 đã có 5.874 quyết định phê duyệt, với 18.515 lượt vay, tổng vốn đầu tư 8.142 tỷ đồng, tổng vốn vay gần 5 nghìn tỷ đồng. Mười tháng đầu năm 2016, đã có 561 quyết định phê duyệt, 1,6 nghìn hộ được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư gần 950 nghìn tỷ đồng, tổng vốn vay hơn 610 nghìn tỷ đồng... Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước. Trong đó, có ba huyện đạt chuẩn NTM (Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn) được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Quyết tâm nâng chất xây dựng NTM Theo đề án “Nâng chất xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020”, thành phố sẽ huy động nguồn vốn trong xã hội đạt 40,6 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động từ người dân và cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng; phấn đấu trong giai đoạn này, 56/56 xã trên địa bàn vùng nông thôn sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cao hơn, bền vững hơn. Đến năm 2020, hai huyện còn lại (Cần Giờ, Bình Chánh) được trung ương công nhận đạt tiêu chuẩn NTM. Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra có hiệu quả, UBND thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí về NTM theo đặc thù vùng nông thôn của thành phố. Đó là, sản xuất nông nghiệp khu vực ngoại thành phải là nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học; là trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị gia tăng cao; phát triển dịch vụ bảo hiểm trong nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng trong nông nghiệp; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tập trung phát triển nâng cao chất lượng các hợp tác xã, tổ sản xuất, trang trại; xây dựng mỗi huyện có ít nhất một hợp tác xã điển hình tiên tiến, hiện đại. Quản lý, vận hành hiệu quả các công trình đã được xây dựng; đầu tư xây dựng các công trình mới phát sinh theo yêu cầu thực tiễn; tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt thấp nhất là 63 triệu đồng/người. Đến năm 2020, 100% số hộ dân khu vực nông thôn được dùng nước sạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 95%. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 3,5 lần so năm 2011... Phát biểu tại Hội nghị triển khai Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM mới đây, đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu các huyện, sở, ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư nâng cấp đường giao thông; rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ xây dựng NTM phù hợp với tình hình mới; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên sâu về xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ, nhất là những cán bộ trẻ, cán bộ mới luân chuyển công tác. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào “Thành phố chung sức xây dựng NTM”; huy động đa dạng các nguồn lực để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa; chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn, chú ý nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ ấp và phát triển đảng viên trong nông dân. Theo đồng chí Tất Thành Cang, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại năm huyện ngoại thành, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra là: Xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông - Nam Á. Theo Vũ/nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã