Tại hội nghị nhiều báo cáo không thuyết phục được Cục Trưởng Phạm Văn Đông chất vấn
Theo ông Phạm Văn Đông, trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT và UBND các cấp quan tâm, chỉ đạo, nhờ đó chủ động kiểm soát được nhiều loại dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm.
Cụ thể, trong năm 2016, kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc và gia cầm đã được 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng. Đáng chú ý, có 55 tỉnh, thành phố được UBND tỉnh bố trí ngân sách dự phòng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật. Nhờ vậy mà, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm về cơ bản được kiểm soát tốt hơn, hạn chế được các trường hợp dịch lây lan trên diện rộng, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ sản xuất và phát triển chăn nuôi bền vững.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trong năm qua cũng đứng trước những thử thách rất lớn, nhất là việc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo đó, trong các tháng đầu năm, do thời tiết mưa nhiều và các đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm cho gia súc, gia cầm và thủy sản ở một số địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc bị mắc bệnh và chết. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất ở 2 tỉnh Sơn La (2039 con gia súc, gia cầm bị chết) và Yên Bái (khoảng hơn 600 con gia súc bị chết rét).
“Ngoài ra, tình trạng nắng hạn kéo dài ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán , xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL cũng đã và đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của đàn vật nuôi do thiếu thức ăn, nước uống, giảm sức đề kháng và gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh”, ông Đông cho biết.
Toàn cảnh Hội nghị Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2016 và kế hoạch năm 2017 đã diễn ra tại Hà Nội
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2017, Cục Thú y phối hợp với các Chi cục Thú ý các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc vật nuôi trên địa bàn, đặc biệt là kế hoạch tiêm phòng vắc xin sớm để chủ động phòng bệnh trước thời điểm xảy ra hạn hán, mưa bão, xâm ngập mặn, giá rét... Đẩy mạnh công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, dự phòng vắc xin và hóa chất để xử lý ổ dịch và các phương án cụ thể để chống dịch.
Lập phương án dự trữ thức ăn, nước uống, chống nắng nóng, xâm ngập mặn cho đàn vật nuôi kết hợp tăng cường chăm sóc nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, hiểu và làm theo, nhất là trong thời gian bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn, LMLM gia súc, bệnh dại động vật…
Theo Trần Hồ/nongnghiep.vn