Trồng ớt xuất khẩu - một mô hình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất ở Lạng Sơn (Ảnh: Đ.H) 

Thực tế cho thấy, cơ cấu sử dụng đất của Việt Nam thể hiện tầm quan trọng của lúa gạo trong chính sách và đầu tư công trước đây và cách thức nông nghiệp Việt Nam phản ứng trước các cơ hội trên thị trường quốc tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng diện tích đất nông nghiệp tăng khoảng 15% kể từ năm 2000. Trong giai đoạn 2001 - 2003, diện tích đất nông nghiệp vào khoảng 8,9 triệu ha. Hiện nay, con số này tăng lên khoảng trên 10,2 triệu ha. Về đất trồng lúa, từ năm 2000, diện tích đất trồng lúa thay đổi rất ít, dao động trong khoảng 4 - 4,2 triệu ha. Thập chí, diện tích trồng lúa có năm vượt hơn cả con số đó. Với tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn thì Việt Nam đang đứng trước bài toán giải quyết khối lượng gạo tồn dư để giải quyết vấn đề đầu ra lúa gạo cho nông dân. Do vậy, đa dạng hoá cây trồng là cần thiết và cũng là cơ hội sản xuất các loại cây trồng khác.

Dưới tác động bất thường của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đã làm cho sản xuất lúa ở nhiều vùng, miền bị thiệt hại nghiêm trọng. Trước diễn biến đó, cần thay đổi cách thức sử dụng đất nông nghiệp, cách thức tổ chức sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp. Ở nhiều nơi, trước các yếu tố thị trường, môi trường, đã chuyển đổi đất trồng lúa sang các mục đích nông nghiệp khác hoặc các dịch vụ sinh thái. Diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn được chuyển đổi sang nuôi trồng các giống thủy sản đa dạng hơn. Nhiều diện tích đất trồng lúa ở ven đô đã chuyển sang trồng rau, cây cảnh…

Nhờ tác động của chương trình xây dựng nông thôn mới, điều kiện thủy lợi được cải thiện, có thể chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, ớt, cà chua, và nhiều loại cây màu khác. Hệ thống canh tác lúa cũng thay đổi, áp dụng luân canh nhằm cải thiện chất lượng đất và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời hướng tới chuyên canh các loại lúa thơm, hoặc các hệ thống canh tác hữu cơ và an toàn sinh thái. Theo một phân tích của Ngân hàng Thế giới, tuy diện tích đất lúa giảm xuống nhưng Việt Nam vẫn sẽ tăng cường xuất khẩu gạo, trong đó tỷ trọng gạo chất lượng cao, đặc sản sẽ tăng lên, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân và doanh nghiệp. Chuỗi giá trị lúa gạo và các nông sản khác sẽ được tổ chức tốt hơn, tạo liên kết chặt chẽ giữa các tổ nhóm nông dân với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 10-20% các nước đang phát triển đứng đầu về tỷ trọng các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu có chứng chỉ hoặc được công nhận đạt các chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội. Trên 50% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam sẽ là sản phẩm chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng, giúp tăng gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu so với hiện nay. Sẽ có trên 20 doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu và sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp được công nhận trên các thị trường lớn trên thế giới và khu vực. Hiện nay các món ăn Việt Nam rất được ưa chuộng trên thế giới nhưng hầu hết các sản phẩm nông nghiệp thô và chế biến của Việt Nam lại không được biết đến trên thế giới. Đây là bất cập cần phải được khắc phục.

Để thay đổi cơ cấu đất trồng lúa, cần tạo đột phá trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, nghiên cứu nông nghiệp, khuyến nông và an toàn thực phẩm. Tiếp tục khuyến khích đa dạng hóa nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mới về thực phẩm, cải thiện thu nhập và việc làm. Muốn vậy, cần cho phép nông dân có thêm nhiều lựa chọn sử dụng đất bằng cách nới lỏng hạn chế về sử dụng đất lúa, tăng cường dịch vụ thủy lợi và xây dựng hạ tầng tưới tiêu linh hoạt hơn phù hợp với các loại cây trồng khác nhau. Đồng thời, cần tăng cường dịch vụ thú y, theo dõi dịch bệnh, nâng cao năng lực thực thi các quy định về sử dụng hóa chất nông nghiệp, kháng sinh, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho nông dân và các doanh nghiệp nhỏ.

Hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong toàn ngành kinh doanh nông nghiệp. Cần thay đổi cơ bản cách thức học tập và tiếp cận thông tin kỹ thuật, thông tin thị trường của nông dân và các tác nhân khác trong ngành. Tuy Chính phủ đã bắt đầu từ bỏ cách tiếp cận từ trên xuống sang hỗ trợ nghiên cứu và khuyến nông nhưng vẫn cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn khi xác định mục tiêu, cách tiếp cận và vai trò của cơ quan nhà nước. Dịch vụ khuyến nông của Nhà nước có thể vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng Nhà nước sẽ không giữ vai trò là nhà cung cấp dịch vụ chính nữa mà dần chuyển sang chức năng huy động và cấp vốn cho các nhà cung cấp dịch vụ khác.

Tăng cường xây dựng chuỗi giá trị cạnh tranh. Có thể hỗ trợ các tổ chức, người tiêu dùng hoặc nhà sản xuất theo hai hướng giúp tăng cường năng lực tổ chức và thông qua các công cụ pháp lý. Hiện nay một số hiệp hội thực ra đang làm đầu mối cho Chính phủ, nhưng trong tương lai các tổ chức đó cần giữ vai trò lớn hơn về kỹ thuật và thương mại. Tuy hợp đồng nông sản chủ yếu liên quan đến doanh nghiệp tư nhân, nhưng không ít trường hợp Nhà nước có thể tham gia hỗ trợ nhằm thực hiện các mục tiêu rộng hơn. Trong một số ngành như nuôi trồng thủy sản, gạo đặc sản, trái cây, rau màu, có thể xem xét hình thành các cụm liên kết ngành và Nhà nước có thể can thiệp giúp đỡ.

Tăng cường năng lực cả khu vực công và khu vực tư nhân nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Để đối phó với các thách thức về an toàn thực phẩm, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi các quy định trên lĩnh vực này, đầu tư vào các phòng thí nghiệm, đổi mới cơ cấu tổ chức. Việt Nam cũng chuyển hướng tập trung từ an toàn thực phẩm cho xuất khẩu sang thị trường trong nước. Để thực hiện những thay đổi này, cần giải quyết vấn đề nhân lực và tài chính một cách sáng tạo. Đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật và các hình thức hỗ trợ khác để giúp doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp chế biến thực phẩm quy mô vừa và nhỏ và mạng lưới phân phối phi chính thức nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm.

Xác định lại vị thế và xây dựng lại hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại trong ngành thực phẩm và các ngành nông nghiệp khác. Trước tình trạng hàng xuất khẩu Việt Nam ít được biết đến và giá trị thấp tại thị trường nước ngoài, cần thực hiện một số biện pháp nhằm khẳng định lại vị thế và xây dựng thương hiệu. Nâng cao thương hiệu quốc gia trong một số ngành có thể giúp thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Nhìn chung, trong thời gian tới, việc cần làm là phải giải quyết thách thức dài hạn về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nông nghiệp. Đầu tư có lựa chọn vào một số hàng hóa nông nghiệp và dịch vụ, đồng thời khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát huy sáng kiến trong sản xuất nông nghiệp.../.

 

Theo Đặng Hiếu/dangcongsan.vn/