Trước hết, phải kể đến tranh Đông Hồ (Thuận Thành) có sức sống lâu bền và sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài bởi những đề tài trên tranh phản ánh cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn liền với văn hoá người Việt. Đó là hình ảnh những đàn lợn, đàn gà, đám cưới chuột, hình ảnh những cô thiếu nữ hứng dừa hay độc đáo với tranh đánh ghen… Tranh Đông Hồ không chỉ nổi tiếng bởi nội dung phong phú, hấp dẫn mà còn do chất liệu đặc biệt, phương pháp in độc đáo. Chất liệu tranh Đông Hồ bắt nguồn từ các sản phẩm của thiên nhiên, gắn bó gần gũi với đời sống người Việt Nam như vỏ cây dó dùng để làm giấy, lá tre, vỏ điệp sỏi màu, hoa hiên, bột nếp dùng làm keo giữ màu, bản khắc bằng gỗ thị… Nhìn vào một bức tranh dân gian Đông Hồ, người xem không khỏi trầm trồ, thú vị trước những màu sắc phong phú, tươi tắn; những hình khối, đường nét tuy đơn giản nhưng sống động, thực mà hư, hư mà thực, gần gũi với đời sống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Gốm Phù Lãng (Quế Võ) cũng là sản phẩm nổi tiếng của làng nghề trong tỉnh mang sắc thái riêng biệt so với những sản phẩm gốm trong nước bởi sự độc đáo của men da lươn. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa. Khác với sản phẩm tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, sản phẩm của làng nghề Đại Bái (Gia Bình) lại chủ yếu thuộc về tâm linh như: Tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, câu đối bằng đồng… Nên những người thợ luôn cố gắng giữ gìn bản sắc riêng trong từng chi tiết, đường nét điêu khắc và đặc biệt nhất là màu đồng. Với sự truyền thụ của các nghệ nhân trong nghề cùng với sự khéo léo của đôi bàn tay mà người làm nghề đã tạc ra được những sản phẩm đặc trưng độc đáo đậm nét “Tinh hoa văn hoá Việt”. Điều đó đã được chứng minh qua hàng trăm công trình tu bổ đền chùa trong cả nước có sự góp sức của nhiều nghệ nhân tài hoa của làng nghề Đại Bái. Với các làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ ở thị xã Từ Sơn, sản phẩm đều được gắn với đời thường, có sản phẩm mang ý nghĩa tâm linh… nhưng tất cả đều tạo nên sự hứng khởi, cuốn hút đến lạ lùng. Sản phẩm chính của các làng nghề là tủ, sập, giường, đôn hoa, tượng, hộp trang sức, tranh gỗ, ảnh gỗ… Nhìn chung đề tài mà các nghệ nhân thường chọn có xuất xứ từ những truyện cổ của Việt Nam và Trung Quốc… Nét độc đáo của sản phẩm gỗ mỹ nghệ Từ Sơn là kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng và gu thẩm mỹ của khách hàng. Vì thế, từ lâu nhiều sản phẩm đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, trở thành nguồn cung cấp đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu đến với nhiều nước trong khu vực như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan... Nhằm tôn vinh và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống, đồng thời tạo điều kiện cho các làng nghề quảng bá thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất,… những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh cùng với doanh nghiệp và hộ sản xuất ở các làng nghề đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm làng nghề. Các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; giới thiệu thông tin chi tiết về các sản phẩm làng nghề trên các tạp chí, phương tiện thông tin đại chúng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các thành phố, đô thị lớn… đã được quan tâm, chú trọng đặc biệt, trong dịp Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc tỉnh Bắc Ninh 2012 lần thứ 4 diễn ra từ ngày 25 đến 30/10 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) này sẽ có sự góp mặt của nhiều sản phẩm tiêu biểu làng nghề của tỉnh như: Đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng, tre trúc Xuân Lai, tranh Đông Hồ, gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ và Hương Mạc… Ông Tạ Đăng Đoan, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: “Thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ, các làng nghề có điều kiện quảng bá thương hiệu, sản phẩm thủ công của mình đến du khách, đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của những người thợ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó tìm kiếm cơ hội, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thống của địa phương”./. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã