Phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản 10 tháng năm 2017 đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu trừ đi 2,2 tỷ USD nhập khẩu trong lĩnh vực này, thì nông - lâm - thủy sản đã xuất siêu tới 7 tỷ USD, giúp làm nên thành tích xuất siêu 1,23 tỷ USD của cả nước.
Đến thời điểm này, đã có 8 mặt hàng nông sản ghi danh vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, tuy nhiên, đáng lo là ngoại trừ hạt tiêu, 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn lại đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,69 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2017, cà phê góp phần gia tăng xuất siêu của nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh |
Đơn cử, với mặt hàng gạo, thị trường Trung Quốc đang đứng vị trí thứ nhất với 39,3% thị phần; Cao su xuất khẩu gần 1,7 tỷ USD, thì riêng thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 1 tỷ USD. Mặt hàng rau quả - ngôi sao đang lên thời gian gần đây - thị trường Trung Quốc cũng chiếm thị phần tới 76%, tốc độ tăng trưởng 53%. Xuất khẩu rau quả sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc chỉ chiếm thị phần khá nhỏ (lần lượt 3,6%, 2,9%, và 2,6%).
Tương tự, với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, Trung Quốc cũng là thị trường chủ chốt với thị phần khá lớn, từ 9 - 14%. Đáng chú ý, mặt hàng có khả năng đạt kim ngạch 1 tỷ USD năm nay là sắn và các sản phẩm sắn (đạt gần 790 triệu USD trong 10 tháng đầu năm) cũng có mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc rất cao, 87%.
Không chỉ phụ thuộc đầu ra, mà đa phần nguyên liệu, vật tư của ngành nông nghiệp vẫn phải dựa vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, 10 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 1,02 tỷ USD phân bón, trong đó riêng từ thị trường Trung Quốc là gần 40%. Nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu 10 tháng đầu năm đạt 805 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 54%. Tương tự, thị trường Trung Quốc cũng đang chiếm 16,3% thị phần nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam và chiếm 17% thị phần hàng rau quả nhập khẩu của Việt Nam.
Phải mở rộng kênh chính ngạch
Điều... kém vui nhất là, giá xuất khẩu nông sản nước ta sang Trung Quốc đa phần thấp hơn nhiều thị trường khác, thiếu bền vững và khả năng bị ép khá giá cao. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, đây là thị trường vô cùng quan trọng với ngành nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay, năm nay, cá tra xuất khẩu gặp nhiều khó khăn tại thị trường Hoa Kỳ, EU. Nếu không có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ thị Trung Quốc (tăng hơn 40% và đang giữ vị trí số 1 về thị trường nhập khẩu) thì ngành cá tra đã gặp nguy.
Tương tự, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng, dù yêu cầu của thị trường Trung Quốc đã khắt khe hơn trước rất nhiều, song tiềm năng của thị trường này rất lớn.
Lâu nay, thị trường Trung Quốc được coi là bấp bênh chủ yếu do xuất khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm phần lớn. Hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu thắt chặt quản lý thương mại biên mậu, kiểm soát chặt chất lượng nông lâm sản nhập khẩu. Đây vừa là thách thức, đồng thời vừa là cơ hội lớn của ngành nông nghiệp nước ta.
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, để thị trường gạo xuất khẩu sang Trung Quốc bền vững, Chính phủ cần hỗ trợ đàm phán với Chính phủ nước bạn để mở rộng kênh chính ngạch, đồng thời siết chặt chất lượng gạo xuất khẩu để nâng cao uy tín cho gạo Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng phải quản lý biên mậu theo hướng giảm bớt nhập khẩu hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc, thay vào đó là đẩy mạnh nhập khẩu đường chính ngạch để cân bằng lợi ích giữa hai bên, giúp hoạt động xuất nhập khẩu của hai nước đi vào nền nếp.
Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, theo các chuyên gia nông nghiệp, là không quá lo ngại. Thực tế, Trung Quốc là thị trường được cả thế giới thèm khát. Vấn đề là để tận dụng tốt thị trường, tránh bấp bênh, Chính phủ cần phải tích cực hỗ trợ mở kênh chính ngạch, quản lý biên mậu tốt hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực tìm các nhà phân phối uy tín tại thị trường này thay vì qua quá nhiều tầng lớp trung gian.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã