Trước đây, cũng như đa phần bà con trong bản, ai cũng đẻ nhiều, vợ chồng tôi có cả thảy 12 đứa con nên quanh năm đói ăn, rách mặc. Nhớ hè năm 2008, mấy cha con tôi tìm vào khe mò ốc, tình cờ bắt gặp mấy khu đất ven bờ suối khá bằng phẳng, màu mỡ nên tôi nảy ra ý tưởng học người miền xuôi thử san bằng đất rồi be bờ, dẫn nước vào cấy lúa, biết đâu có gạo thổi cơm.
![]() |
Ông Trực bên ruộng lúa của nhà. |
Suy tính là một chuyện nhưng để thực hiện được điều đó quả không đơn giản. Sau một thời gian nghiên cứu kỹ quy luật nước lên xuống của con suối, tôi huy động cả gia đình vào núi cắm chốt cày cuốc, đắp bờ, chia thửa, khơi lối dẫn nước vào ruộng. Khi ấy đúng độ giáp hạt, sắn, khoai đều cạn, có 5 con trâu tôi đành bán 1 để mua lương thực cho cả nhà khai hoang. Sau một tháng ròng rã ăn rừng, ngủ suối, 5ha nương rẫy (3ha hoa màu, 2ha ruộng nương và ao cá) của chúng tôi đã thành hình.
Nhưng vụ đầu lúa giống gieo xuống gặp đợt rét đậm kéo dài nên hỏng cả. Mấy khoanh ao thả cá cũng mất trắng sau trận lụt lịch sử năm 2009. Dịch lở mồm long móng cũng cướp nốt của tôi 4 con trâu còn lại. Dân bản xì xào, tôi đã phạm vào thần núi nên bị trừng phạt. Vợ con trong nhà thì hoang mang, nhưng tôi thì quyết không chịu buông xuôi.
Tôi tìm đến cầu cứu Đồn Biên phòng Cà Xèng đóng trên địa bàn nhờ tư vấn kỹ thuật, giúp lúa giống, phân bón. Đồn đã huy động anh em chiến sĩ giúp tôi chở phân lên bón ruộng, gia cố thêm bờ thửa, cày bừa thêm cho ngấu đất... trước khi gieo lúa.
Suối, rừng không phụ lòng người, những vụ lúa từ đó tôi đều thắng, năng suất vụ sau cao hơn vụ trước. Gần nhất, vụ năm vừa rồi với 2ha tôi đã có 9 tạ thóc. Sản lượng ấy so với miền xuôi chưa đáng kể gì nhưng ở miền đá vôi cằn cỗi này là kỳ tích. Bên cạnh lúa, tôi còn trồng khoai, sắn, ngô rồi mấy nghìn gốc keo khoảng 3 năm nữa được thu hoạch, nuôi đàn trâu bò gần 30 con.
Thực hiện theo cách làm của tôi, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, giờ đây nhà nào trong bản cũng có ruộng lúa nước. Nhờ đó, nhiều nhà sắm được xe máy, ti vi... trẻ con đến tuổi đều được đi học...
Tôi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, được "ghi công" là người đầu tiên đưa cây lúa nước lên vùng núi đá vôi.
Ông Trần Trung Trực - Trưởng bản Yên Hợp, xã Thượng Hoá, Minh Hóa, Quảng Bình
Quảng Phúc (ghi)
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố