Nguyên nhân của sự đổ bể trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản thời gian qua là gì, thưa ông?
Phần lớn giám đốc doanh nghiệp bị bắt còn trẻ, có trình độ chuyên môn cao và có người được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Đổ bể hầu hết do sử dụng nguồn vốn sai mục đích đầu tư và kém hiệu quả, như vay vốn ngắn hạn đầu tư cho trung và dài hạn.
Trở lại cách đây 10 - 12 năm, thời kỳ hoàng kim bất động sản, lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ về cho vay xuất khẩu cộng với sự quản lý lỏng lẻo và tiếp tay của cán bộ ngân hàng thương mại, một số chủ doanh nghiệp thủy sản vay được tiền đã đầu tư sang bất động sản, kinh doanh vàng, chứng khoán và các lĩnh vực khác. Nhiều chủ doanh nghiệp xài tiền vô tội vạ, kể cả việc làm từ thiện để khuếch trương thân thế như một kênh quảng cáo. Có trường hợp, một doanh nghiệp thủy sản vay vàng vào thời điểm chỉ 13 - 14 triệu đồng/lượng nhưng khi trả vàng là 32 triệu đồng/lượng, lỗ trên 100 tỷ đồng. Sau đó, bất động sản bị đóng băng và tiền vay thì đến hạn. Thêm lạm phát tăng cao đã đẩy lãi suất ngân hàng tăng theo.
Trong tình hình đó, các doanh nghiệp thủy sản thường xoay xở thế nào?
Thành lập thêm doanh nghiệp để vay tiền thực hiện dự án mới đáo hạn dự án cũ. Hậu quả là khi đến hạn thì doanh nghiệp không thanh toán kịp cho ngân hàng, nhiều doanh nghiệp phải vay từ xã hội đen với lãi suất rất cao, một ngày đến 1 - 2%, thậm chí 3%. Vài doanh nghiệp chế biến cá tra còn chiếm dụng vốn của người nuôi bằng cách tăng giá mua. Vào năm 2013 - 2014, có một doanh nghiệp đã mua thiếu 288 hộ dân với gần 500 tỷ đồng (giá cá tra trên thị trường 19.000 đồng/kg thì mua 22.000 đồng/kg, giá cá 22.000 đồng/kg thì mua 26.000 đồng/kg và đỉnh điểm nâng lên 29.000 đồng/kg). Có một hộ nuôi cá bán thiếu đến 41 tỷ đồng mà không có hợp đồng “lận lưng”, chỉ có cuốn sổ tay với chữ ký của người cân cá và nhận cá; cuối cùng không thể đòi số nợ này.
Còn hoạt động chế biến xuất khẩu thủy sản, ông có thấy vấn đề gì không?
Các doanh nghiệp nói chung nghiên cứu thị trường không kỹ và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu, nên chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy thì gặp khó khăn lớn. Hoạt động xuất khẩu thủy sản hoàn toàn phụ thuộc vào những nhà nhập khẩu nước ngoài và luật pháp của họ. Xảy ra tranh chấp hợp đồng thì lập tức doanh nghiệp Việt Nam bị động ngay từ việc thuê luật sư, phiên dịch, tiền bạc… Khi xét xử, phần lớn chúng ta bị thua hoặc bỏ cuộc. Trong lúc, các hiệp hội ngành nghề non yếu, tổ chức rời rạc và mang tính hình thức, chưa có sự gắn kết và đủ mạnh cả về kinh nghiệm, huy động vốn, quy chế hoạt động. Sai lầm cơ bản nhất của các hiệp hội ngành nghề là khi tổ chức các buổi họp định kỳ và đột xuất, thông tin thường không được bảo mật nội bộ phục vụ cho chiến lượt phát triển sản phẩm và ngành nghề; trái lại thông tin bị lợi dụng để hại nhau hoặc triệt tiêu nhau. Một nhược điểm cố hữu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam là không đùm bọc, nâng đỡ và bảo vệ nhau trên thương trường mà còn nói xấu, bêu riếu nhau.
Ông Phan Bá Tòng, chủ Công ty XNK Thiên Mã, với chiếc Hummer H2 biển số 333 thời "vung tay quá trán" và nay, ở trại tạm giam của Bộ Công an
Ông vừa cho biết, nhiều chủ doanh nghiệp có trình độ chuyên môn cao, một số được đào tạo bài bản ở nước ngoài?
Nhưng lại không có chuyên môn sâu của ngành mình đang hoạt động, tối thiểu là nuôi cá, chế biến cá. Đa phần các doanh nghiệp thương mại chuyển sang nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Thiếu kiến thức tổng hợp mà lại say sưa với chiến thắng, xa hoa khi giàu có, hách dịch khi có địa vị, thường lúng túng khi gặp khó khăn và hay làm liều khi bế tắc.
Theo một số chủ doanh nghiệp thì quản lý nhà nước cũng chưa tốt?
Các doanh nghiệp thủy sản phần lớn năng lực tài chính nội tại yếu, không đủ sức chịu đựng rủi ro khi thị trường biến động; trong khi, Nhà nước hỗ trợ quá ít và không kịp thời. Sự quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp mang nặng tính hành chính, áp đặt quyền lực để kiểm tra và thanh tra mà không hướng dẫn để doanh nghiệp tự giác, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong lúc, lại chưa có chiến lược quốc gia đối với con tôm và cá tra; nhất là vùng nuôi, diện tích nuôi, con giống, kỹ thuật, thị trường, môi trường an toàn.
Xác định thị trường cũng chưa phù hợp. Chưa quan tâm thị trường trong nước mà ta thường gọi là xuất khẩu tại chỗ, thị trường các nước Đông Nam Á (trong đó có Trung Quốc). Một điều kỳ lạ không sao giải thích được, nước ta có một hệ thống chính trị rộng khắp nhưng trong các nhà hàng, quán ăn trên cả nước không khuyến mãi những sản phẩm đặc thù của địa phương và chưa thấy nhân viên của nhà hàng nào giới thiệu một đặc sản mang tính chủ động, gần như 100% để cho khách tự chọn. Việc nhỏ làm không được sao làm được việc lớn.
Kéo dài tình trạng nhiều doanh nghiệp thủy sản đình đốn, chủ doanh nghiệp bị bắt, dư luận quan tâm rất lo lắng. Theo ông, giải pháp gì để thoát ra?
Thống kê đến 30/7/2016, thành phố Cần Thơ có 21 nhà máy chế biến thủy sản, trong đó chủ yếu chế biến cá tra và tôm; công suất thiết kế vượt sản lượng hiện có gấp 2 - 3 lần. Còn cả vùng ĐBSCL, hơn nửa số doanh nghiệp chế biến thủy hải sản đang gặp khó khăn. Để có thể đánh giá một cách khách quan và công bằng hơn về thực trạng cũng như tìm giải pháp tháo gỡ, các cơ quan hành pháp nên phân tích cội nguồn của vấn đề để cứu doanh nghiệp. Không nên hình sự hóa kinh doanh khi doanh nghiệp gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã