Toàn xã có 16 thôn thì có tới 10 ngôi nhà văn hóa là nhà sàn. Đặc biệt hơn khi những ngôi nhà sàn này được làm bằng bê tông cách tân theo hướng hiện đại.
Lưu giữ truyền thống
Giữa không gian rộng lớn của miền quê Năng Khả, những ngôi nhà sàn văn hóa hiện lên như một biểu trưng tuyệt đẹp của văn hóa người Tày. Cũng giống như điệu then, điệu cọi, cây đàn tính… nếp nhà sàn của người Tày là cội nguồn văn hóa, là bến quê neo đậu cho những tâm hồn xa quê tìm về. Vì vậy, khi xã đưa ra chủ trương xây dựng nhà văn hóa thôn theo hình dáng ngôi nhà sàn truyền thống, cột bằng bê tông được bà con nhiệt tình hưởng ứng.
Câu chuyện làm nhà văn hóa ở Năng Khả được bắt đầu từ chủ trương xây dựng NTM. Vì là xã điểm của tỉnh, lại là xã vùng cao với nhiều người Tày sinh sống, thế nên việc xây dựng nhà văn hóa làm sao đảm bảo tiêu chí lại vừa mang bản sắc riêng của vùng miền được chính quyền xã đặt ra. Sau nhiều lần họp bàn, cuối cùng chính quyền xã Năng Khả chọn làm nhà sàn, cột đổ bê tông cách tân theo hướng hiện đại.
Ông La Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Năng Khả, chia sẻ, những nếp nhà sàn truyền thống gắn bó bao đời nay với bà con thì làm không khó, tuy nhiên với ngôi nhà sàn làm bằng bê tông cách tân thì bà con còn nhiều lúng túng. Nghe nói ở xã Bằng Cốc (huyện Hàm Yên) đã có nhiều hộ gia đình xây dựng nhà ở bằng nhà sàn cột bê tông cốt thép thành công, tháng 10/2012 UBND xã đã cử một đoàn công tác đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm, đoàn gồm cán bộ xã và các Bí thư chi bộ, trưởng các thôn.
Học được cách tổ chức thi công, giám sát, mẫu thiết kế… thế nhưng khi thiết kế cũng có những khó khăn. Theo quy định mỗi nhà sàn được Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng còn lại nhân dân đóng góp. Vấn đề đặt ra là làm sao đảm bảo vẫn giữ được nếp nhà sàn truyền thống mà lại phù hợp với nguồn quỹ hiện có.
Sau khi được cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện giúp đỡ thiết kế bản vẽ, hỏi thêm kinh nghiệm của các vị cao tuổi trong làng, xã, bản thiết kế ngôi nhà sàn làm bằng bê tông cốt thép đã ra đời với sức chứa từ 120 đến 150 người/nhà và các thôn nô nức bắt tay vào thi công. Cứ thế, những ngôi nhà sàn văn hóa ở Năng Khả làm bằng bê tông cốt thép dần dần nên hình nên dạng.
Để hiểu thêm về chuyện làm nhà sàn bê tông của người dân nơi đây, tôi đã đến gặp ông Nông Văn Dương, Phó trưởng thôn Bản Tùn, là người có uy tín của thôn. Bản Tùn cũng là thôn dẫn đầu xã Năng Khả hoàn thành nhà sàn văn hóa.
Ông Dương năm nay đã gần 60 tuổi, khi nói về chuyện làm nhà sàn, ông cho biết: Mình là người Tày, nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc mình là rất đáng quý. Ở Bản Tùn, việc làm nhà văn hóa thôn theo kiểu nhà sàn truyền thống đã chạm đúng vào tâm của bà con nên ai cũng hào hứng làm theo. Trung bình mỗi hộ đóng góp từ 500 đến 800 nghìn đồng.
Tranh thủ những ngày nông nhàn bà con bắt tay vào làm nhà sàn, hễ cứ tảng sáng mọi người lại gọi nhau tập trung tại nhà văn hóa thôn để thi công phần móng, đổ cột… và khi trời xẩm tối mới ra về. Cứ thế ngày này qua ngày khác, hơn một tháng miệt mài, ngôi nhà sàn văn hóa được hoàn thành và đến đầu tháng 8/2013 đã đưa vào sử dụng.
Cũng giống như Bản Tùn, hiện nay các thôn Nà Chác, Nà Reo cũng đã hoàn thành ngôi nhà sàn văn hóa, các ngôi nhà còn lại đến cuối tháng 9 này sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Những ngôi nhà văn hóa hoàn thành, là nơi sinh hoạt cộng đồng, giáo dục phong tục cổ truyền, nơi giao thoa văn hóa, nơi hội họp xóm làng.
Gắn kết cộng đồng
Thành công trong chủ trương làm nhà sàn văn hóa ở Năng Khả phải nói đến tinh thần đoàn kết, thống nhất một lòng của nhân dân. Không chỉ góp ngày công, tiền của nhiều hộ gia đình còn hiến cả diện tích đất canh tác của gia đình để thôn xóm có nhà văn hóa sinh hoạt.
Đó là chị Đinh Thị Thịnh sẵn sàng hiến 540 m2 đất đồi trồng mỡ, mía của gia đình, là ông Nông Văn Tòng thôn Bản Tùn, ông Triệu Hữu Phú thôn Nà Chác... luôn nhiệt tình hăng hái đóng góp ngày công và vận động các hộ cùng chung sức làm nhà văn hóa…
Bà Hoàng Thị Quy, Trưởng thôn Nà Reo, cho biết, từ ngày có nhà văn hóa việc hội họp tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình, triển khai các chương trình phát triển kinh tế xã hội của xã, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quản lý bảo vệ rừng, xây dựng nếp sống văn hóa tại thôn xóm, gia đình… thuận lợi hơn rất nhiều. Đây thực sự là đòn bẩy thúc đẩy phong trào xây dựng NTM của thôn phát triển.
Nhà sàn văn hóa không chỉ là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết mà còn là “sứ giả” truyền bá văn hóa trong cộng đồng các dân tộc, sẽ mãi đồng hành cùng sự phát triển của các làng quê ở Năng Khả.
Hợp Sơn
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã